Khảo sát tác động chống suy giảm trí nhớ của NL197 và cao chiết nấm linh chi đỏ (Ganodema lucidum) áp dụng mô hình trimethyltin trên chuột nhắt trắng

  • Trần Phi Hoàng Yến
  • Nguyễn Ngọc Vinh
  • Đỗ Minh Quang

Tóm tắt

Nấm linh chi là một dược liệu quý đã được sử dụng lâu đời với rất nhiều tác dụng dược lý cho việc bồi bổ cơ thể. Gần đây, một số nghiên cứu đã chứng minh cao chiết toàn phần từ nấm linh chi có khả năng bảo vệ não chống lại sự suy giảm trí nhớ (SGTN) do β-amyloid gây ra trên chuột nhắt hoặc sự tổn thương hoạt động trí nhớ do streptozotocin gây ra trên chuột cống, qua mô hình thử trí nhớ không gian, và hiệu quả bảo vệ hệ Gabanergic của nấm linh chi. Trong nghiên cứu này, thử nghiệm về khả năng chống SGTN của cao chiết toàn phần từ nấm linh chi đỏ được đánh giá song song với hợp chất NL197- 3-(2-cloropyridin-3-yl)-2-methyl-4(3H)-quinazolinon, một dẫn chất 4(3H)-quinazolinon (do TS. Nguyễn Ngọc Vinh, Viện Kiểm nghiệm TP. Hồ Chí Minh tổng hợp), là hợp chất đã được chứng minh có nhiều hoạt tính sinh học phong phú: gây ngủ, giảm đau, an thần, giải lo âu, chống co giật.

Nguyên liệu:

Trimethyltin (TMT) chlorid - Sigma Aldrich; Cao chiết toàn phần từ nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum); NL197, một dẫn chất 4(3H)-quinazolinon (do TS. Nguyễn Ngọc Vinh, Viện Kiểm nghiệm TP. Hồ Chí Minh cung cấp); Galanthamin (Reminyl® 4 mg- Janssen Cilag)...

Phương pháp nghiên cứu:

Các mô hình đánh giá sự thay đổi  khả năng học và nhớ của chuột được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn đã được công bố trên các tạp chí quốc tế: Thử nghiệm mê cung chữ Y; Thử nghiệm khám phá vật thể lạ; Thử nghiệm tìm nước; Thử nghiệm mê cung bơi.

Kết quả:

           Điều trị dài ngày cao chiết nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum) ở liều 80 mg/kg (14 ngày) cho hiệu quả bảo vệ não chống SGTN tương đương liều 12,5 mg/kg (10 ngày) của dẫn 4(3H)-quinazolinon, NL197. Tác động này được khẳng định khi áp dụng mô hình gây SGTN bằng trimethyltin (TMT) qua các thử nghiệm khả năng hoạt động trí nhớ như: thử nghiệm mê cung chữ Y, thử nghiệm khám phá vật thể lạ, thử nghiệm tìm nước, và thử nghiệm mê cung bơi. Ngoài ra, sự tổn thương hệ cholinergic (gia tăng hoạt tính AChE và giảm hàm lượng ACh) ở nhóm gây độc bằng TMT đã được hồi phục ở nhóm có điều trị với cao chiết nấm linh chi đỏ hoặc hợp chất NL197 đã chứng tỏ khả năng chống SGTN của nấm linh chi đỏ và NL197 liên quan đến khả năng bảo vệ hệ cholinergic, và hiệu quả này có lẽ cũng liên quan đến khả năng bảo vệ tế bào não, chống lại sự tổn thương trên tế bào não do TMT gây ra.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-06
Chuyên mục
BÀI BÁO