Nghiên cứu khả năng ức chế enzym arginase II của các hợp chất lignans từ cây nhục đậu khấu (Myristica fragrans Houtt.)

  • Trần Mạnh Hùng
  • Nguyễn Tiến Đạt
  • Nguyễn Hải Đăng
  • Tô Đạo Cường
  • Phương Thiện Thương

Tóm tắt

Nhục đậu khấu (NĐK), còn gọi là nhục quả, ngọc quả), tên khoa học là Myristica fragrans Houtt., thuộc họ Nhục đậu khấu (Myristicaceae), là một loại cây to, thân cây trưởng thành cao 8-10 m, phân bố nhiều ở Indonesia, Malaysia, miền tây Ấn Độ và nam Trung Quốc. Cây được trồng nhiều ở Miền Nam Việt Nam. Thân cây nhẵn, lá mọc so le, xanh tươi quanh năm, phiến lá hình mác rộng, hoa khác gốc màu vàng trắng. Quả hạch, hình cầu hay hình quả lê, màu vàng, khi chín nở theo chiều dọc thành 2 mảnh, trong có một hạt có vỏ dày, cứng, bao bọc bởi một áo hạt bị rách, màu hồng. Sau khi hái quả, bỏ vỏ, lấy riêng áo hạt. Hạch đem sấy lửa nhỏ, cho đến khi lắc thấy kêu lóc cóc bên trong, khi đó đập lấy nhân.

Trong đông y, tính chất của NĐK là vị cay, tính ôn, hơi độc, vào 3 kinh tỳ, vị và đại trường có năng lực ôn tỳ, sáp tràng, chỉ nôn, chỉ tả lỵ, tiêu thực, chữa lạnh bụng, đau bụng, đầy hơi, phàm nhiệt tả, và nhiệt lỵ. NĐK là vị thuốc thơm, có tác dụng kích thích, dùng trong cả đông và tây y, tuy nhiên dùng liều cao có thể gây độc. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng sinh học của NĐK. Ngoài tinh bột, NĐK còn chứa tinh dầu, diterpenoid, lignan. Đối với một số nước ở Châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc, NĐK là vị thuốc y học cổ truyền dùng để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có thấp khớp, tiêu chảy, co giãn cơ và biếng ăn. Một số tác giả trên thế giới chỉ ra rằng, NĐK có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, chống tiểu đường, bảo vệ gan và ức chế enzym acetylcholinesterase trong điều trị mất trí nhớ ở người già. Nghiên cứu này tập trung tách chiết và xác định các cấu trúc hóa học trong NĐK và hoạt tính ức chế enzyme arginase II.

Nguyên liệu:

Hạt NĐK được thu hái ở tỉnh An Giang, và được định danh bởi Tiến sĩ Phạm Thanh Huyền, trưởng khoa Tài nguyên Thực vật, Viện Dược liệu Trung ương.

Phương pháp nghiên cứu:

Từ hạt NĐK tách chiết thu được 7 hợp chất. Xác định cơ sở dữ liệu hóa lý của các hợp chất ( từ 1 đến 7). Cấu trúc hóa học của các hợp chất lignan 1-7 được tách ra từ NĐK. Thử hoạt tính ức chế enzym arginase II.

Kết quả:

Từ dịch chiết methanol của NĐK đã phân lập ra được 7 hợp chất phenolic có cấu trúc dạng lignan bằng phương pháp sắc ký cột, có sử dụng sắc ký lỏng cao áp hệ điều chế pha đảo. Dựa trên các thông số hóa lý, kết hợp với phương pháp truy hồi số liệu, các hợp chất này đã được xác định cấu trúc hóa học và có tên như sau: 1-(2,6-dihydroxyphenyl)-9-(3,4-dihydroxyphenyl)-1-nonanone (malabaricone C) (1), meso-monome thyldihydroguaiaretic acid (2), (+)-erythro-(7S,8R)-∆8¢-7-hydroxy-3,4,3′,5′-tetramethoxy-8-O-4′-neolignan (3), (7S,8'R,7'R)-4,4'-dihydroxy-3,3'-dimethoxy-7',9-epoxylignan (4), (7S,8R,8′S)-7-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)-7′-(3′,4′-methylenedioxyphenyl)-8,8′-lignan-7-methyl ether (5), (±)-guaiacin (6), và ((8R,8'S)-7-(4-hydroxy-3-methoxyphenyl)-8'-methylbutan-8-yl)-3'-methoxybenzene-4',5'-diol (7). Trên thế giới đã có nhiều báo cáo khoa học về các hợp chất trong cây này, tuy nhiên trong nghiên cứu này bước đầu góp phần làm rõ thêm thành phần hóa học của dược liệu NĐK ở Việt Nam. Thêm vào đó, hoạt tính ức chế enzym arginase II của các hợp chất cho thấy, bên cạnh các tác dụng đã được kiểm chứng của NĐK theo y học cổ truyền cũng như các thông báo khoa học mới đây trên thế giới, NĐK nói chung và các hợp chất có hoạt tính nói riêng có thể là một nguồn dược liệu quý để hỗ trợ cho các bệnh nhân bị bệnh xơ vữa động mạch.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-06
Chuyên mục
BÀI BÁO