Đánh giá ảnh hưởng của cắn dịch chiết phân đoạn n-hexan rễ cây chóc máu Nam đến mức độ dung nạp glucose của tế bào C2C12

  • Trần Thị Oanh
  • Đỗ Thị Nguyệt Quế
  • Trần Thị Linh

Tóm tắt

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính với số người mắc bệnh lớn và đang tăng nhanh. ĐTĐ typ 2, chiếm khoảng 90-95% số bệnh nhân ĐTĐ, liên quan đến sự thiếu hụt insulin t­ương đối do rối loạn tiết insulin và hiện t­ượng kháng insulin. Trong đó kháng insulin được coi là những khiếm khuyết ban đầu hoặc là khiếm khuyết chính trong ĐTĐ typ 2.

     Một số loài thuộc chi Salacia đã và đang được sử dụng trong điều trị đái tháo đường, béo phì tại một số nước như Nhật bản, Srilanca, Ấn Độ, Thái Lan. Salacia cochinchinensis Lour. (còn gọi là chóc máu Nam hay chóc máu Việt) là loài tìm thấy ở Việt Nam, từ lâu đã được sử dụng làm thuốc chống tiêu khát, chống béo phì trong dân gian. Kết quả nghiên cứu tác dụng của cắn dịch chiết phân đoạn n-hexan rễ cây chóc máu Nam (PĐ) cho thấy, cắn dịch chiết này có tác dụng hạ glucose huyết, hạ cholesterol toàn phần rõ rệt trên động vật gây đái tháo đường thực nghiệm. Trên động vật gây kháng insulin bằng chế độ ăn giàu chất béo, dịch chiết này cũng làm giảm rõ rệt tính kháng insulin.

     Trên cơ sở đó, trong bài báo này tiến hành nghiên cứu khảo sát ảnh hưởng của dịch chiết phân đoạn n-hexan dịch chiết rễ cây chóc máu Nam (Salacia cochinchinensis Lour.) đối với mức độ dung nạp glucose của các tế bào cơ vân chuột nhắt nguyên phát (C2C12) sau khi đã biệt hóa. Trước khi đánh giá tác dụng của PĐ trên tế bào C2C12 tác giả cũng đã tiến hành đánh giá khả năng gây độc của PĐ trên tế bào này.

            Nguyên liệu:

     Rễ cây Salacia cochinchinesis Lour.. Sau khi thu hái, rễ cây được đem rửa sạch, sấy khô ở 40oC, tán nhỏ. Chiết bằng methanol, cất thu hồi dung môi ở áp suất giảm rồi hòa cắn vào nước và tiếp tục đem lắc với n-hexan. Cất thu hồi dung môi để thu lấy cắn dịch chiết phân đoạn hexan (đặt tên là PĐ). Tế bào C2C12 được cung cấp bởi American Type Culture Collection (clone CRL-1772), được lưu giữ trong nitơ lỏng.

     Phương pháp nghiên cứu:

      Đánh giá khả năng gây độc của PĐ trên tế bào C2C12. Đánh giá ảnh hưởng của PĐ đến khả năng dung nạp glucose của tế bào C2C12

     Kết quả:

     PĐ với các nồng độ 20,00 µg/mL và 50,00 µg/mL (ủ 48 h) không gây chết tế bào C2C12. PĐ với các nồng độ 125,00 µg/mL và 250,00 µg/mL (ủ 48 h) gây chết tế bào C2C12 với tỷ lệ gây chết tương ứng là 21,82% và 28,74%. PĐ với nồng độ ủ 20 µg/mL và 50 µg/mL đều có tác dụng làm tăng dung nạp glucose vào tế bào C2C12.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-06
Chuyên mục
BÀI BÁO