Tác dụng phục hồi tổn thương gan của hợp chất lacton chiết xuất từ cây xuyên tâm liên trên thực nghiệm

  • Mai Phương Thanh
  • Vũ Thị Ngọc Thanh
  • Đinh Quang Trường
  • Phạm Trí Hiếu

Tóm tắt

Viêm gan do nhiễm độc thuốc hoặc hóa chất là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt là viêm gan do dùng thuốc điều trị lao và paracetamol (PAR) có xu hướng ngày càng gia tăng. Để điều trị viêm gan, chỉ có một số ít trường hợp dùng thuốc đặc hiệu theo nguyên nhân, hầu hết các trường hợp phải dùng các thuốc có tác dụng bảo vệ tế bào gan, tăng cường khả năng phục hồi tổn thương gan. Cây xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) với thành phần chủ yếu có tác dụng dược lý là các hợp chất lacton (trong đó chất chính là andrographolid), là một dược liệu quý, đã được sử dụng làm thuốc từ lâu trong dân gian và được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào các dược liệu làm thuốc với các tác dụng kháng khuẩn, kích thích miễn dịch, chống viêm, bảo vệ và phục hồi tổn thương gan... Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu xuyên tâm liên phong phú, song lại chưa được nghiên cứu đầy đủ và sử dụng còn hạn chế. Năm 2012, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình chiết xuất hợp chất lacton từ cây xuyên tâm liên (HLX) Việt Nam. Theo Vũ Thị Ngọc Thanh và cộng sự (2012), HLX có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình gây tổn thương gan bằng paracetamol thực nghiệm. Để đánh giá đầy đủ hơn tác dụng điều trị viêm gan của HLX, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu: Đánh giá tác dụng làm tăng phục hồi tổn thương gan của hợp chất lacton chiết xuất từ cây xuyên tâm liên trên mô hình gây viêm gan cấp bằng paracetamol ở chuột nhắt trắng.

Thuốc nghiên cứu:

Hợp chất diterpen lacton chiết xuất từ cây xuyên tâm liên (HLX) theo quy trình tại Viện Dược liệu, có hàm lượng andrographolid > 95%. Pha HLX trong dung môi carboxymethylcellulose (CMC) 1% để cho chuột uống.

Phương pháp nghiên cứu:

Chuột thí nghiệm được chia ngẫu nhiên thành 9 lô, mỗi lô 10 con. Gây tổn thương gan chuột bằng cách cho chuột uống paracetamol (PAR) liều 400 mg/kg với thể tích 0,2 mL/10g. Sau khi uống PAR 1 giờ, cho chuột uống dung môi hoặc thuốc tương ứng với từng lô trong 2 hoặc 4 ngày liên tục. Sau 2 hoặc 4 ngày uống thuốc, giết chuột, lấy máu động mạch cảnh để định lượng các enzym AST, ALT, lấy gan để xác định trọng lượng, nồng độ malonyldialdehyd (MDA). Sau 4 ngày uống thuốc, lấy ngẫu nhiên 3 mẫu gan ở mỗi lô nghiên cứu làm tiêu bản mô bệnh học.

Kết quả:

            Hợp chất lacton chiết xuất từ cây xuyên tâm liên liều 500 mg/kg có tác dụng làm tăng phục hồi tổn thương gan cấp gây ra bởi PAR trên chuột nhắt trắng (giảm hoạt độ ALT trong huyết thanh, giảm tổn thương mô bệnh học của gan). Chưa xác định được tác dụng chống oxy hóa của HLX do không có tác dụng làm giảm nồng độ MDA trong dịch đồng thể gan.

So sánh với kết quả nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của HLX trước đây thấy tác dụng bảo vệ gan thể hiện rõ hơn tác dụng phục hồi tổn thương gan. Một số tác giả khi nghiên cứu các thuốc điều trị bệnh gan cũng nhận thấy tác dụng bảo vệ gan thường thể hiện rõ hơn tác dụng phục hồi tổn thương gan.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-06
Chuyên mục
BÀI BÁO