Đánh giá mối liên quan giữa nồng độ đáy và chỉ số AUC0-24/MIC mục tiêu của vancomycin trên bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng tại Bệnh viện Bạch Mai

  • Lê Vân Anh
  • Kiều Tiến Thịnh
  • Hoàng Thị Kim Huyền
  • Nguyễn Liên Hương

Tóm tắt

Vancomycin là kháng sinh được lựa chọn chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng kháng methicillin - Methicillin resistance Staphylococcus aureus(MRSA). Các nghiên cứu trên động vật và trên người chỉ ra rằng AUC0-24/MIC ≥ 400 được coi là mục tiêu để đạt được hiệu quả lâm sàng. Tuy nhiên trên thực tế, để có thể xác định chính xác tỉ lệ AUC0-24/MIC của bệnh nhân, cần phải tiến hành lấy nhiều mẫu máu, điều này khiến cho quy trình giám sát điều trị (TDM) trở nên phức tạp và tốn kém. Vì vậy hiện nay các hướng dẫn giám sát nồng độ vancomycin trong máu đều khuyến cáo sử dụng nồng độ đáy (Ctrough) như một thông số thay thế cho giá trị AUC0-24/MIC. Tuy nhiên, mức nồng độ đáy cần thiết để đạt hiệu quả điều trị phụ thuộc vào quần thể bệnh nhân và giá trị MIC của vi khuẩn. Xuất phát từ thực tế này, đề tài được thực hiện với 2 mục tiêu:

            + Khảo sát nồng độ đáy (Ctrough ) và giá trị AUC0-24 của vancomycin trong máu bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng tại Bệnh viện Bạch Mai.

            + Đánh giá mối liên quan giữa nồng độ đáy và giá trị AUC0-24/MIC mục tiêu của vancomycin trên bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng tại Bệnh viện Bạch Mai với MIC giả định.

             Từ đó xác định được khả năng thay thế của nồng độ đáy và đích nồng độ đáy phù hợp của vancomycin, là cơ sở tiến hành giám sát nồng độ vancomycin trong máu thường qui nhằm đảm bảo sử dụng thuốc này hiệu quả và an toàn.

Đối tượng nghiên cứu:

Bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai, trong thời gian từ tháng 3/2012 tới tháng 12/2012 thỏa mãn các tiêu chuẩn nghiên cứu: trên 16 tuổi, có kết quả xét nghiệm nuôi cấy định danh vi khuẩn là S. aureus và được chỉ định vancomycin truyền tĩnh mạch. Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân sử dụng vancomycin đường uống, thời gian dùng vancomycin dưới 3 ngày, đang trong quá trình lọc máu, chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thai và cho con bú, tiền sử mắc HIV/AIDS, lao.

            Phương pháp nghiên cứu:

            + Tiến cứu mô tả, không can thiệp liều.

            + Mỗi bệnh nhân được lấy 2 mẫu máu vào ống nghiệm có chất chống đông Lithium Heparin 75 USP Units (3 ml máu tĩnh mạch) để tách huyết tương và  đo nồng đáy (Ctrough ), nồng độ đỉnh (Cpeak).

            + Cách tính AUC0-24: theo phương pháp dựa vào nồng độ đáy Ctrough và nồng độ đỉnh (Cpeak).

            + Định lượng nồng độ thuốc bằng kỹ thuật miễn dịch enzym.

            + Xác định MIC của vancomycin với S. aureus bằng kĩ thuật E-test tại Khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai.

Kết quả:

            - Về mối liên quan giữa nồng độ đáy và AUC0-24/MIC mục tiêu của vancomycin trên bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng tại Bệnh viện Bạch Mai với một số MIC giả định. Số bệnh nhân đạt AUC0-24/MIC tăng khi giá trị nồng độ đáy tăng. Số bệnh nhân đạt giá trị AUC0-24/MIC mục tiêu giảm dần khi giá trị MIC tăng dần. Tỉ lệ phần trăm bệnh nhân đạt AUC0-24/MIC mục tiêu với MIC = 1; 1,5; 2 mg/L tương ứng là 86,6; 56,6; 30%. 

            - Về khả năng sử dụng Ctrough để dự đoán chỉ số AUC0-24 /MIC trên bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng tại Bệnh viện Bạch mai

            + Có mối liên quan giữa nồng độ đáy và giá trị AUC0-24 /MIC mục tiêu. Khi nồng độ đáy ≥10 µg/ml, khả năng đạt AUC0-24 /MIC mục tiêu trên quần thể bệnh nhân có MIC≤ 1,5 mg/L là trên 80%. Do đó có thể sử dụng nồng độ đáy để dự đoán khả năng đạt AUC0-24 /MIC mục tiêu trên quần thể bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai.

            + Có thể sử dụng nồng độ đáy để dự đoán khả năng đạt AUC0-24 /MIC mục tiêu và dùng trị số này thay thế cho chỉ số AUC0-24/MIC khi giám sát điều trị.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-06
Chuyên mục
BÀI BÁO