Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc trên bệnh nhân hen phế quản điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế

  • Võ Thị Hồng Phượng
  • Nguyễn Thị Như Ngọc

Tóm tắt

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay có khoảng 235 - 300 triệu người mắc bệnh và dự kiến con số này sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2025. Trên toàn cầu, có khoảng 250000 người tử vong do bệnh hen mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do HPQ cao hơn tỷ lệ tử vong do tim mạch và chỉ xếp sau tử vong do ung thư. Chi phí cho bệnh nhân HPQ của nhân loại lớn hơn chi phí của HIV và lao cộng lại. Các hướng dẫn về chuẩn đoán và điều trị hen của các tổ chức Y tế trên thế giới điển hình là GINA được cập nhật hàng năm cũng như thông tư của Bộ Y tế ban hành năm 2009 đã tác động đáng kể lên việc lựa chọn và sử dụng thuốc trên bệnh nhân (BN) nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát hen tốt nhất. Xuất phát từ những lý do trên, nghiên cứu đề tài này với 2 mục tiêu:

1. Khảo sát tình hình sử dụng thuốc trong điều trị HPQ; 2. Đánh giá kết quả điều trị HPQ trên BN điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Đối tượng nghiên cứu

BN được chẩn đoán HPQ là bệnh chính, có mã phân loại bệnh J45 theo ICD - 10; BN điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp của Bệnh viện Trung ương Huế từ  04/2013 đến 03/2014; thời gian nằm viện từ 5 ngày trở lên.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, không can thiệp dựa trên những dữ liệu thu thập được trong các bệnh án HPQ đạt tiêu chuẩn trong thời gian nghiên cứu. Mỗi BN trong mẫu nghiên cứu đều được lập phiếu thông tin theo mẫu. Có 157 BN đáp ứng tiêu chuẩn nghiên cứu.

Kết quả

            Qua quá trình nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc điều trị HPQ tại Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy tỷ lệ BN nữ chiếm 53,5% ; nam chiếm 46,5%. BN mắc HPQ ở độ tuổi 35 - 60 chiếm tỷ lệ cao nhất 43,9%. Độ tuổi  trung bình của mẫu nghiên cứu là 53,62 ± 19,37. Các nhóm thuốc điều trị cắt cơn HPQ chủ yếu là các thuốc có tác dụng nhanh đường tiêm và hít: SABA hít (84,7%),  SABA tiêm (47,1%), anticholinergic hít (44,6%), nhóm xanthin tiêm (37,0%). Phác đồ điều trị cắt cơn hen hay gặp với cơn hen nặng: SABA + anticholinergic + xanthin  (69,7%). Phác đồ điều trị dự phòng  thường gặp: LABA/ICS + theophyllin (61,1%). Thuốc điều trị hỗ trợ thường sử dụng: kháng sinh (96,8%); ức chế bơm proton (67,5%); magie, kali (47,8%); thuốc long đờm, giảm ho (45,9%); kháng histamin H1 (32,5%).  Hầu hết BN có tiến triển tốt sau khi điều trị với 99,4% được đánh giá là đỡ, giảm. Chi phí điều trị khá lớn. Thời gian điều trị trung bình là 11,22 ± 7,26 ngày.

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi có một số đề xuất sau: tư vấn cho BN hiểu rõ vai trò của thuốc cắt cơn và thuốc điều trị dự phòng, giáo dục cho BN phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen. Đối với những BN không bị bội nhiễm phế quản - phổi thì không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh để tránh tình trạng lạm dụng và đề kháng kháng sinh.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-25
Chuyên mục
BÀI BÁO