Khảo sát tác động kháng viêm, giảm đau các phân đoạn nọc bọ cạp Heterometrus laoticus

  • Nguyễn Thị Thùy Trang
  • Trần Hiếu Trung
  • Nguyễn Hoài Nam
  • Nguyễn Cửu Khoa
  • Võ Phùng Nguyên
  • Utkin Yuri
  • Hoàng Ngọc Anh

Tóm tắt

Từ lâu, bọ cạp đã được sử dụng rộng rãi và là một vị thuốc quý trong các bài thuốc cổ truyền như động kinh ở trẻ em, uốn ván, bán thân bất toại, thiên đầu thống, tràng nhạc, quai bị... dưới dạng thuốc bột hoặc làm viên. Tuy nhiên, thành phần chính có tác dụng của nọc bọ cạp vẫn chưa được nghiên cứu nhiều.

            Trong vòng bốn mươi năm trở lại đây, nọc bọ cạp đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học để tìm hiểu về thành phần, tính chất lý hóa, các tác dụng dược lý cũng như độc tính của chúng. Nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố về ứng dụng của nọc bọ cạp trong y dược như: kaliotoxin - một chất có tác động ức chế kênh kali có tác dụng kháng viêm và ngăn mất xương, chlorotoxin từ nọc bọ cạp vàng Israel có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư não...

            Trong những bài báo trước đã có những nghiên cứu bước đầu về nọc bọ cạp đen Heterometrus laoticus như khảo sát thành phần và độc tính của nó. Kết quả cho thấy nọc bọ cạp H.laoticus chứa các thành phần gây độc đối với động vật và côn trùng, có tác động kháng viêm, giảm đau tốt. Ngoài ra, nọc bọ cạp còn chứa các thành phần tác động đến quá trình đông chảy máu. Từ nọc bọ cạp thô, chúng tôi đã phân lập được một số toxin độc đối với côn trùng và một toxin tác động trên kênh kali. Dựa trên cơ sở đó, với mục tiêu xác định thành phần chính thực sự có tác động dược lý, đã tiến hành khảo sát tác động kháng viêm, giảm đau của các phân đoạn 2, 3, 4 được tách ra từ nọc bọ cạp H.laoticus bằng phương pháp sắc ký lọc gel trên Sephadex G-50.

Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu

Năm phân đoạn peptid đã được tách ra từ nọc toàn phần của bọ cạp H.laoticus (An Giang) bằng phương pháp sắc ký trên cột với gel Sephadex G-50. Các phân đoạn được đông khô và bảo quản ở - 20 oC cho đến khi sử dụng. Trong nghiên cứu này chọn các phân đoạn 2, 3, 4 để khảo sát tác động kháng viêm và giảm đau. Các phân đoạn này được hòa trong nước muối sinh lý thành dung dịch để khảo sát tác dụng dược lý.

             Khảo sát tác động kháng viêm theo phương pháp gây phù chân chuột bằng carrageenan. Khảo sát tác động giảm đau do ức chế thụ thể ngoại biên theo phương pháp gây đau quặn.

Kết quả

Qua quá trình thử nghiệm, chúng tôi rút ra các kết luận sau: Nọc bọ cạp các phân đoạn 2 (9,5 mg/kg), phân đoạn 4 (9,5 mg/kg và 19 mg/kg) có tác động kháng viêm yếu. Nọc bọ cạp phân đoạn 2 (19 mg/kg) và  3 (5 mg/kg) có hoạt tính kháng viêm tốt trong các phân đoạn nghiên cứu nhưng vẫn kém hơn nọc toàn phần và ketoprofen 2,5 mg/kg.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-03-25
Chuyên mục
BÀI BÁO