Chiết xuất, phân lập imperatorin từ rễ bạch chỉ Radix angelicae dahuricae làm chất đối chiếu

  • Lê Thị Hải Đường
  • Hà Diệu Ly

Tóm tắt

Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của tân dược, xu hướng sử dụng thuốc Đông dược cũng ngày càng tăng. Trên thị trường đã xuất hiện các chế phẩm đông dược ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn cả về hình thức và chất lượng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn cho việc phân tích, kiểm nghiệm dược liệu và các sản phẩm động dược ở nước ta là thiếu các chất chuẩn từ dược liệu. Hiện nay phần lớn chất chuẩn đang sử dụng trong nước chủ yếu phải nhập từ nước ngoài (như chuẩn USP, Chromadex, Sigma...) với giá thành cao và thời gian đặt hàng kéo dài vài tuần đến vài tháng, thậm chí là không có. Vì vậy, việc thiết lập chuẩn marker là nhu cầu cần thiết. Bạch chỉ là một trong những cây thuốc quý trong Y học cổ truyền  Việt Nam cũng như các nước Châu Á khác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...). Trong dân gian, bạch chỉ được dùng phổ biến để trị nhiều bệnh giảm đau chống viêm, tác dụng trên trung khu thần kinh và tim mạch. Dược điển Trung quốc 2010 quy định kiểm tra chỉ tiêu định tính và định lượng imperatorin trong bạch chỉ, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chưa thiết lập chất đối chiếu này để kiểm tra dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu bạch chỉ.

            Trong bài báo này trình bày kết quả phân lập imperatorin từ rễ bạch chỉ Radix Angelicae dahuricae để thiết lập chuẩn đối chiếu nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu bạch chỉ.

Mẫu nghiên cứu

Rễ bạch chỉ khô đóng 1 kg/gói mua của Công ty Bình Minh, Hà Giang đã được Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh định danh theo tiêu chuẩn DDVN IV[4].

Phương pháp nghiên cứu

+ Chiết xuất, phân lập: Rễ bạch chỉ được chiết ngấm kiệt bằng EtOH 96%. Cao ethanol được chiết phân bố với n-hexan, thu hồi dung môi được cao n-hexan. Sắc ký cột silica gel nhiều lần cao thô với hệ dung môi rửa giải n-hexan - ethyl acetat. Kết hợp tinh chế bằng sắc ký lỏng điều chế trên cột RP-18 (250 mm x 210 mm, 5mm) thu được hợp chất tinh khiết.

+ Xác định cấu trúc bằng các phương pháp phổ nghiệm 1H-NMR, 13C-NMR, HSQC, HMBC và IR cũng như so sánh các số liệu phổ có được với tài liệu tham khảo.

+ Xác định độ tinh khiết bằng HPLC, cột C18, detector PDA ở bước sóng 254 nm. Áp dụng phương pháp tính % diện tích, kết hợp phương pháp quét nhiệt vi sai DSC xác định độ tinh khiết mẫu.

+ Xác định hàm lượng nước bằng phương pháp TGA.

Kết quả

            Quy trình chiết xuất phân lập và tinh chế imperatorin từ rễ bạch chỉ bằng ngấm kiệt với ethanol 96% và tinh chế bằng sắc ký cột silicagel kết hợp sắc ký lỏng điều chế thu được imperatorin có độ tinh khiết (≥ 99 %), tương đồng với độ tinh khiết mẫu từ phương pháp quét nhiệt vi sai DSC. Cấu trúc hóa học của hợp chất cô lập được xác định bằng phương pháp phổ nghiệm và so sánh với tài liệu đã công bố. Sản phẩm tinh chế đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu đối chiếu. Với số lượng khá hợp lý chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu độ ổn định và thiết lập chất chuẩn imperatorin để làm chuẩn đối chiếu chiết xuất từ dược liệu phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng bạch chỉ và bổ sung nguồn chuẩn vào danh mục chuẩn DĐVN.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-05-22
Chuyên mục
BÀI BÁO