Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về thành phần hóa học và độc tố tetrodotoxin từ loài cá nóc vằn (Takifugu oblongus) ở Việt Nam

  • Trần Việt Hùng
  • Phùng Minh Dũng
  • Nguyễn Hoài Nam
  • Nguyễn Tiến Đạt
  • Dương Minh Tân
  • Trần Minh Ngọc
  • Nguyễn Tiến Vững
  • Đào Việt Hà

Tóm tắt

Tetrodotoxin (TTX) được biết đến là độc tố thần kinh mạnh với liều gây chết cho người 1 - 2 mg qua đường tiêu hóa. Hợp chất này có thể gây tê liệt thần kinh do có tác dụng chẹn kênh vận chuyển natri (sodium carrying system) nhưng không ảnh hướng đến kênh vận chuyển kali (potassium carrying system). Do ái lực mạnh và có tác dụng chẹn kênh natri một cách đặc hiệu, dẫn tới làm tê liệt dẫn truyền thần kinh, TTX thể hiện tác dụng giảm đau trung ương rất mạnh. Gần đây, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, TTX đang được thử nghiệm như một chất dẫng đường (lead compound) tiềm năng hướng tới điều một số bệnh hiểm nghèo như như bệnh tim mạch, giảm đau trong ung thư, cai nghiện ma tuý.... Một số thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện cho thấy TTX có tác dụng giảm đau một cách có hiệu quả đối với bệnh nhân ung thư. Cá nóc được ghi nhận là loài sinh vật biển có chứa TTX và các độc tố thần kinh tương tự TTX (tetrodotoxin analogues) nhiều nhất, đặc biệt là mùa sinh sản, khi đo TTX được tích lũy trong phủ tạng, đặc biệt là trong trứng, gan. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong do ngộ độc cá nóc. Goto và cs (1963), Tsuda và cs (1964) đã xác định được cấu trúc hoá học của TTX là dẫn suất của aminoperhydroquinazoline (C11H17O8N3; M=319). Ở Việt Nam, Lê Xuân Tú và cộng sự là những người đầu tiên tách chiết độc tố TTX từ trứng và gan cá nóc và đã thử tác dụng giảm đau của TTX trên chuột nhắt, chuột cống và thỏ. Kết hợp với Viện Hải dương học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 10 loài cá nóc độc đã được định hướng thu mẫu ở vùng biển Khánh Hòa và Vũng Tàu, Việt Nam, định danh và lưu tiêu bản, gồm có: (1) cá nóc chuột vân bụng (Arothron hispidus), (2) cá nóc chuột chấm sao (Arothron stellatus), (3) cá nóc tro (Lagocephalus lunaris), (4) cá nóc vằn mặt (Torquigener brevipinnis), (5) cá nóc thu (Lagocephalus sceleratus), (6) cá nóc viền đuôi đen (Arothron immaculatus), (7) cá nóc chấm cam (Torquigener gloerfelti), (8) cá nóc vàng (Lagocephalus spadiceus), (9) cá nóc răng mỏ chim (Lagocephalus inermis) và (10) cá nóc vằn (Takifugu oblongus). Từ phủ tạng (buồng trứng, gan và ruột), thu mẫu, nghiên cứu thành phần độc tố, từ đó chiết xuất, phân lập và tinh chế và nhận dạng TTX để làm chất đối chiếu hóa học, phục vụ nghiên cứu kiểm nghiệm và các nghiên cứu ứng dụng TTX trong y học. Trong bài báo này, tóm tắt một số kết quả nghiên cứu về độc tố TTX và độc tố tương tự TTX (ký hiệu chung là TTXs) từ loài cá nóc vằn (Takifugu oblongus) thu được từ vùng biển Việt Nam.

Nguyên liệu

Cá nóc vằn thu mẫu năm 2012 tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, được định danh làm tiêu bản và lấy phần nội tạng (trứng, gan, ruột), bảo quản ở nhiệt độ dưới -10ºC.

Phương pháp nghiên cứu

+ Chiết và làm giàu mẫu (dịch chiết toàn phần có chứa TTXs).

+ Định tính và định lượng tetrodotoxin:

Kết quả

            Đã xử lý và chiết phân đoạn mẫu nội tạng cá nóc, từ đó phân tích đánh giá được phân đoạn có chứa độc tố TTX là phân đoạn V2, đã phân lập được TTX và 2 chất tương tự TTX (6-epi TTX và 5-deoxy TTX), đang tiến hành phân lập thêm chất ở phân đoạn này. Đã phân lập và xác định cấu trúc của 5 hợp chất từ phân đoạn ethylacetat và phân đoạn V3. Đã định tính và định lượng TTX trong dịch chiết toàn phần và trong phân đoạn có chứa TTX bằng LC - MS. Dịch chiết toàn phần TTXsTTX thu được tại phân đoạn V2 phục vụ cho nghiên cứu xây dựng quy trình chiết xuất, phân lập và tinh chế TTX với lượng đủ lớn (≥ 100 mg/mẻ) và đạt độ tinh khiết cao (≥ 95,0 %) để thiết lập chất chuẩn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-05-22
Chuyên mục
BÀI BÁO