Nghiên cứu đa dạng di truyền của chi Gymnema R. Br. ở Việt Nam bằng kỹ thuật RAPD-PCR

  • Phạm Hà Thanh Tùng
  • Trần Văn Ơn
  • Phùng Thanh Hương

Tóm tắt

Chi Gymnema R.Br. họ Trúc đào (Apocynaceae) có khoảng 25 loài, phân bố ở vùng Tây Châu Phi, Australia, châu Á. Trong chi Gymnema R.Br., loài Dây thìa canh Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Schul đã được nghiên cứu nhiều về tác dụng hạ glucose máu và được sử dụng rộng rãi để điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, đã phát hiện sự có mặt của 4 loài thuộc chi này. Một công bố trước đây cho thấy tác dụng hạ glucose máu trên thực nghiệm xuất hiện ở cả 4 loài trong chi Gymnema R.Br. ở Việt Nam. Các kết quả trên mở ra triển vọng bảo tồn, khai thác và phát triển các loài Gymnema Việt Nam với mục đích làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị đái tháo đường. 

         Chỉ thị phân tử RAPD-PCR (Random Amplified Polymorphic DNA-PCR) được sử dụng phổ biến trên thế giới để nghiên cứu đa dạng di truyền thực vật và được chứng minh hiệu quả trong việc nghiên cứu khuếch đại đa hình ADN thuộc các locus khác nhau trong toàn hệ gen, nhờ vậy có khả năng phát hiện những sự khác biệt nhỏ về di truyền giữa các mẫu, do đó hiệu quả trong nghiên cứu đa dạng giữa các loài và đặc biệt là cấp dưới loài. Do vậy, trong nghiên cứu đa dạng di truyền của các mẫu thuộc 4 loài Gymnema thu hái ở các vùng địa lý khác nhau của Việt Nam, chỉ thị RAPD-PCR được sử dụng để đánh giá được đa dạng di truyền nguồn gen của 4 loài dược liệu giá trị này, trên cơ sở đó bước đầu xác định căn cứ lựa chọn nguồn gen tốt nhất để bảo tồn và phát triển.

Đối tượng nghiên cứu: 20 mẫu thuộc chi Gymnema R.Br. Các mẫu được thu tại các địa điểm khác nhau trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và được xử lý theo quy trình xử lý mẫu tiêu bản và lưu trữ tại phòng tiêu bản Trường Đại học Dược Hà Nội.

Phương pháp nghiên cứu

+ Chiết tách ADN với bộ kít chiết tách ADN thực vật GeneJET (Thermo Scientific).

+ Phân tích kết quả: Các băng ADN được ghi nhận dựa trên sự có mặt hay vắng mặt của chúng ở các mẫu nghiên cứu theo thang ADN chuẩn (ADN marker), xuất hiện băng là "1", không xuất hiện băng là "0''. Các số liệu này được đưa vào xử lý theo chương trình NTSYSpc 2.02 của Rohlf (2000) để tính ma trận tương đồng giữa các cặp mẫu.

Kết quả

            Kết quả PCR với 30 mồi ngẫu nhiên cho hệ số đa hình trung bình của 15 mồi đa hình với tỷ lệ băng ADN đa hình là 70,7%. Với chỉ thị RAPD-PCR đã chia 20 mẫu Gymnema Việt Nam ra 4 nhóm tương ứng với 4 loài Gymnema dựa trên phân loại hình thái. Ngoài ra, mỗi loài được tách thành các nhóm phụ có độ tương đồng di truyền trên 75%. Những kết quả này là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu phân tử phục vụ cho bảo tồn gen các loài thuộc chi Gymnema R.Br ở Việt Nam.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-08-25
Chuyên mục
BÀI BÁO