Đánh giá tác dụng kháng khuẩn của viên C.T.K. đối với một số vi khuẩn gây viêm đường sinh dục dưới

  • Hoàng Thị Diệp
  • Nguyễn Tuấn Bình
  • Trần Trọng Dương

Tóm tắt

C.T.K. là chế phẩm phối hợp từ bột tiêu viêm A và thuốc "khứ hủ" đã được cải tiến dưới dạng viên nén. Thuốc được dùng điều trị viêm nhiễm đường sinh dục dưới bước đầu có kết quả trên lâm sàng; đồng thời cũng gợi ý về cơ chế tác dụng của thuốc trong điều trị viêm nhiễm đường sinh dục dưới do vi khuẩn: có thể do tác dụng kháng khuẩn hoặc làm thay đổi PH âm đạo, hoặc phối hợp cả hai, dẫn tới tác nhân gây bệnh bị tiêu diệt hoặc không phát triển được; nhờ đó bệnh nhân khỏi bệnh. Mục tiêu nghiên cứu:

            - Đánh giá tác dụng kháng khuẩn in vitro của viên đặt C.T.K. thông qua việc xác định nồng độ ức chế tối thiểu của thuốc đối với một số chủng vi khuẩn mẫu và một số chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm đường sinh dục dưới được phân lập từ người bệnh.

            - Thăm dò tác dụng của thuốc C.T.K. đối với pH âm đạo động vật thí nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thực nghiệm có so sánh với đối chứng và so sánh trước sau.

- Nghiên cứu về tính kháng khuẩn của thuốc C.T.K.

- Phương pháp thăm dò tác dụng của thuốc C.T.K. đối với pH âm đạo thỏ thí nghiệm.

Kết luận

            - Về tác dụng kháng khuẩn in vitro của thuốc C.T.K: 

            + Với các chủng khuẩn mẫu: Thuốc có khả năng ức chế hoàn toàn sự phát triển của các vi khuẩn S. aureus ATCC 25923 ở nồng độ thuốc pha loãng 1/150, và với E. coli ATCC 25922 ở nồng độ thuốc pha loãng 1/100.

            + Với các chủng vi khuẩn phân lập được từ bệnh nhân viêm nhiễm đường sinh dục dưới:

            - Với tụ cầu khuẩn vàng: thuốc có khả năng ức chế 100% vi khuẩn phát triển ở nồng độ thuốc pha loãng 1/50; 96,66 % chủng vi khuẩn ở nồng độ thuốc pha loãng 1/75; 80,0 % chủng vi khuẩn ở nồng độ thuốc pha loãng 1/100; 63,33 % chủng vi khuẩn ở nồng độ thuốc pha loãng như đối với chủng vi khuẩn mẫu (1/150); ở nồng độ thuốc pha loãng 1/200 thuốc không có khả năng ức chế vi khuẩn phát triển.

            - Với trực khuẩn E. coli: thuốc có khả năng ức chế 90 % vi khuẩn phát triển ở nồng độ thuốc pha loãng 1/50; 76,66 % chủng vi khuẩn phát triển ở nồng độ thuốc pha loãng 1/75; ở nồng độ thuốc pha loãng như đối với chủng vi khuẩn mẫu (1/100) thuốc có khả năng ức chế 66,66 % chủng vi khuẩn; ở nồng độ thuốc pha loãng 1/150  và 1/200 thuốc không có khả năng ức chế vi khuẩn phát triển.

            + Ở nồng độ thuốc pha loãng như các chủng vi khuẩn mẫu: khả năng kháng khuẩn của thuốc C.T.K. giữa các chủng E. coli và tụ cầu khuẩn vàng phân lập được là như nhau (p > 0,05).

            - Thuốc có xu hướng làm giảm pH âm đạo động vật thí nghiệm trong quá trình đặt thuốc:

            Viêm nhiễm đường sinh dục dưới thường là sự phối hợp của các tác nhân, cần nghiên cứu bổ sung vào thuốc một số hoạt chất chống nấm, trichomonas, để có thể mở rộng phạm vi chỉ định của thuốc.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-08-25
Chuyên mục
BÀI BÁO