Đánh giá việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

  • Nguyễn Thị Kim Thu

Abstract

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematosus -SLE) là một bệnh tự miễn, khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô và các cơ quan của cơ thể. Nguyên nhân chính xác của bệnh lupus hiện chưa rõ, nhưng các nghiên cứu cho thấy có sự tham gia của các tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T, tế bào B và tế bào đuôi gai. Điều trị SLE chủ yếu dựa vào các thuốc ức chế miễn dịch, ví dụ như hydroxychloroquin và các corticosteroid. Các thuốc được sử dụng trong điều trị lupus ban đỏ hệ thống với mục đích ức chế miễn dịch. Thuốc phải được sử dụng hàng ngày và kéo dài để có thể kiểm soát tình trạng bệnh. Ngoài ra, các thuốc trong điều trị lupus ban đỏ hệ thống thường có nhiều độc tính và tác dụng phụ nghiêm trọng do đó cần phối hợp với các thuốc xử trí tác dụng không mong muốn. Do đó, tiến hành đề tài này với 2 mục tiêu:

            - Khảo sát tình hình sử dụng thuốc trong điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

            - Đánh giá hiệu quả và an toàn của sử dụng thuốc trong điều trị bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

- Đối tượng: Các bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống được theo dõi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, thời gian từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2014.

- Nội dung nghiên cứu: Khảo sát sử dụng thuốc trong điều trị bệnh SLE; Đánh giá hiệu quả điều trị dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng qua các lần khám bệnh nhân. Tiến hành đo các chỉ số sinh hóa máu bao gồm: Protein, albumin, men gan, ure, creatinin, cholesterol, triglycerid, phát hiện tăng men gan, suy thận. Đo công thức máu bao gồm số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; tốc độ máu lắng; tổng phân tích và tế bào nước tiểu để xác định chỉ số protein niệu, hồng cầu niệu, bạch cầu niệu. Xét nghiệm miễn dịch ANA, anti ds-DNA; Đánh giá tác dụng không mong muốn: Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và dựa trên các chỉ số xét nghiệm lâm sàng về chức năng gan (GPT, GOT), chức năng thận (ure, creatinin).

Kết luận

            Sử dụng thuốc trong điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống thường phải kéo dài, và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Trong nghiên cứu này đã khảo sát được tỷ lệ sử dụng thuốc trong điều trị SLE tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho thấy 100 % bệnh nhân sử dụng GC đơn độc hoặc phối hợp cùng với thuốc UCMD, CSRTH, NSAID.

            Qua đánh giá cho thấy các chỉ số cận lâm sàng như số lượng hồng cầu trung bình, số lượng lympho bào trung bình ở máu ngoại vi đều tăng và các chỉ số như tốc độ máu lắng, hồng cầu niệu, protein niệu, nồng độ ANA và nồng độ anti-dsDNA đều giảm sau quá trình điều trị. Một số tác dụng không mong muốn xuất hiện liên quan đến thần kinh (36,0 %), đường tiêu hóa (28,8 %), loãng xương (12,8  %), mắt (15,2 %), nhiễm trùng (14,4 %), đau dạ dày (9,6 %), thấp nhất là hội chứng Cushing (1,6 %). Kết quả của nghiên cứu này giúp cho việc sử dụng thuốc dựa trên tiêu chuẩn lợi ích/nguy cơ trong điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống sẽ hợp lý, hiệu quả hơn.

điểm /   đánh giá
Published
2015-10-15
Section
ARTILES