Phân tích đặc điểm bệnh thận do thuốc cản quang chứa iod sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Bạch Mai

  • Bùi Thị Ngọc Thực
  • Vũ Đình Hòa
  • Phạm Minh Thông
  • Trần Nhân Thắng
  • Dương Đức Hùng
  • Cẩn Tuyết Nga
  • Nguyễn Thu Minh
  • Nguyễn Hoàng Anh

Tóm tắt

Với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thuốc cản quang (TCQ) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tỷ lệ tổn thương thận do thuốc cản quang hay còn gọi là bệnh thận do thuốc cản quang (contrast-induced nephropathy - CIN) được báo cáo dao động từ 0 % - 33 % trên các đối tượng bệnh nhân khác nhau đưa nhóm thuốc này trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây suy thận mắc phải tại bệnh viện. Trong thực hành lâm sàng, tổn thương thận thường diễn biến không có triệu chứng nên ít được theo dõi chặt chẽ. Bệnh viện Bạch Mai hiện là bệnh viện có số lượng lớn bệnh nhân sử dụng thuốc cản quang. Do vậy, đề tài này được thực hiện với 2 mục tiêu: 1. Khảo sát tỷ lệ xuất hiện và đặc điểm bệnh thận do thuốc cản quang chứa iod; 2. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng xuất hiện bệnh thận do thuốc cản quang chứa iod.

Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên các bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai được chỉ định tiêm thuốc cản quang chứa iod trong thời gian từ 12/2014 - 04/2015. Các bệnh nhân không được làm xét nghiệm creatinin huyết thanh (serum creatinin, Scr) trước hoặc sau khi tiêm thuốc cản quang chứa iod, các bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc liên tục và các bệnh nhân đã hoặc sẽ được phẫu thuật thận trong thời gian nằm viện sẽ được loại trừ.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thuần tập trên các bệnh nhân nội trú được tiêm thuốc cản quang chứa iod để chụp CT, chụp động mạch vành, can thiệp động mạch vành qua da. Do số đơn vị chụp cản quang nhiều trong khi nhân lực có hạn, áp dụng biện pháp lựa chọn mẫu thuận lợi các bệnh nhân tại một phòng chụp. Thông tin về chỉ số creatinin huyết thanh  ở thời điểm gần nhất trước khi tiêm thuốc trong thời gian bệnh nhân nằm viện và các chỉ số SCr sau khi tiêm thuốc đến khi ra viện được thu thập trên cơ sở dữ liệu tại Khoa Hóa sinh. Các thông tin về yếu tố nguy cơ mắc kèm như tuổi cao (> 70 tuổi), đái tháo đường, suy tim, đặt bóng đối xung động mạch chủ, nhồi máu cơ tim sớm (< 24 giờ), mức độ suy thận dựa trên mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) cũng được ghi nhận. Các thuốc dùng kèm có khả năng gây độc với thận nếu có bao gồm cisplatin, cyclosporin, các kháng sinh aminoglycosid, thuốc chống viêm phi steroid (NSAIDs) được ghi nhận từ trước khi sử dụng TCQ chứa iod đến ngày thứ 3 sau khi tiêm thuốc hoặc đến ngày xuất hiện CIN.

            Kết luận

Nghiên cứu xác định được một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân dùng thuốc cản quang gặp CIN. Các trường hợp bệnh nhân cao tuổi, có mức lọc cầu thận thấp và phải dùng thể tích lớn thuốc cản quang là những trường hợp cần lưu ý theo dõi nguy cơ độc tính trên thận, cụ thể như sau:

- Tỷ lệ chung biến cố trên thận hay bệnh thận do TCQ chứa iod là 7,1 %. Tỷ lệ bệnh thận do TCQ chứa iod có ý nghĩa lâm sàng là 1,1 %.

- Tỷ lệ bệnh nhân có mức độ suy thận từ mức độ 1 đến 3 của AKIN tương ứng với từ mức "có nguy cơ" đến mức "suy thận" của RIFLE là 16, chiếm 40% tổng số bệnh nhân mắc CIN, chiếm 2,8 % tổng số bệnh nhân nghiên cứu.

- Bệnh nhân trên 70 tuổi, mức lọc cầu thận < 30 ml/phút/1,73 m2, dùng thể tích TCQ trên 200 ml là  các yếu tố liên quan đến việc tăng nguy cơ xuất hiện bệnh thận do TCQ.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-01-20
Chuyên mục
BÀI BÁO