Đánh giá độc tính trên thận liên quan tenofovir ở bệnh nhân điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Bạch Mai

  • Nguyễn Tiến Pháp
  • Trần Ngân Hà
  • Võ Thị Thu Thủy
  • Vũ Đình Hòa
  • Đỗ Duy Cường
  • Nguyễn Hoàng Anh

Tóm tắt

Năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo việc thay thế stavudin (d4T) bằng tenofovir (TDF) hoặc zidovudin do độc tính của d4T. Tháng 11/2011, Bộ Y tế đã ra quyết định 4139/QĐ-BYT, trong đó khuyến cáo dần dần không sử dụng d4T và thay thế bằng các phác đồ TDF+3TC+NVP/EFV cho cả bệnh nhân đang điều trị và bệnh nhân mới điều trị HIV/AIDS, dẫn đến làm tăng rõ rệt số lượng bệnh nhân được sử dụng phác đồ chứa TDF trong thời gian gần đây. Bên cạnh hiệu quả ngăn chặn sự nhân lên của virus, tăng khả năng tuân thủ điều trị, giúp cải thiện và kéo dài cuộc sống, nhiều độc tính của TDF đã được ghi nhận. Trong đó, độc tính điển hình và được quan tâm đánh giá nhiều nhất là độc tính trên thận. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhằm tìm hiểu độc tính này của TDF trên quần thể bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam còn rất hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu của được thực hiện nhằm khảo sát đặc điểm biến cố trên thận ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sử dụng phác đồ có chứa TDF tại phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS, Bệnh viện Bạch Mai và xác định các yếu tố ảnh hưởng tới tần suất xuất hiện độc tính ở quần thể bệnh nhân này.

Đối tượng nghiên cứu

Toàn bộ bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm HIV/AIDS được điều trị ban đầu hoặc chuyển đổi sang phác đồ có chứa TDF tại Phòng khám ngoại trú của Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

Phương pháp nghiên cứu

- Mô tả cắt ngang không can thiệp, kết hợp theo dõi dọc bệnh nhân thông qua ghi nhận thông tin từ bệnh án vào mẫu phiếu thu thập thông tin.

- Chỉ tiêu nghiên cứu: Đặc điểm bệnh nhân, đặc điểm biến cố bất lợi trên thận, Xác định các yếu tố ảnh hưởng tới tần suất xuất hiện độc tính trên thận ở bệnh nhân HIV có sử dụng phác đồ chứa TDF tại phòng khám.

- Xử lý số liệu: Số liệu được thu thập và xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0. Kết quả được xử lý thống kê mô tả và phân tích đơn biến, sau đó phân tích đa biến để xác định các yếu tố ảnh hưởng tới tần suất xuất hiện độc tính trên thận.

Kết luận

            Đã ghi nhận tỷ lệ xuất hiện độc tính trên thận là 20,4 % số bệnh nhân. Phần lớn các biến cố độc tính trên thận ghi nhận được đều ở mức nhẹ hoặc trung bình. Các yếu tố có thể ảnh hưởng tới tần suất xuất hiện độc tính trên thận bao gồm tuổi cao, giá trị eGFR baseline cao, chỉ số BMI cao và lượng hemoglobin khi bắt đầu điều trị thấp.

Kết quả của nghiên cứu đã bổ sung dữ liệu về tần suất và đặc điểm độc tính liên quan tới tenofovir trên thận ở bệnh nhân HIV/AIDS người Việt Nam, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động theo dõi điều trị và giám sát các biến cố bất lợi của phác đồ ARV chứa TDF.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-03-15
Chuyên mục
BÀI BÁO