Flavonoid phân lập từ phần trên mặt đất của cây mũi mác (Desmodium triquetrum (L.) DC)

  • Nông Thị Anh Thư
  • Vũ Văn Tuấn
  • Nguyễn Thị Bích Thu

Abstract

Cây mũi mác còn gọi là thóc lép, cây cổ bình có tên khoa học là Desmodium triquetrum (L.) DC hay Tadehagi triquetrum (L.) Ohashi. Mũi mác được tìm thấy ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanma, Thái Lan, Philipin. Ở nước ta, cây mọc hoang ở rìa rừng, trong các rừng thưa. Theo y học cổ truyền, cây có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kiện tỳ tiêu thực, lợi niệu, sát trùng. Mũi mác được người dân sử dụng trong các trường hợp viêm gan, vàng da, cảm mạo, viêm họng, viêm mủ răng, viêm thận cấp, tiêu chảy. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học của cây mũi mác, tuy nhiên ở Việt Nam các nghiên cứu về thành phần hóa học của cây mũi mác còn rất ít. Để có thêm cơ sở khoa học cho việc sử dụng mũi mác trong y học hiện đại, bài báo này trình bày kết quả phân lập và xác định bốn flavonoid từ phần trên mặt đất của cây mũi mác thu hái tại Bắc Kạn.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết xuất, phân lập các hợp chất: Chiết xuất các hợp chất từ dược liệu bằng ethanol 70% theo phương pháp ngâm ở nhiệt độ thường trong phòng thí nghiệm (ngâm 3 lần, mỗi lần 4 ngày). Phân đoạn dịch chiết bằng dung môi có độ phân cực tăng dần n-hexan, ethyl acetat và n-butanol. Phân lập các chất bằng sắc ký cột với các chất hấp phụ silica gel pha thường, pha đảo RP-18, Sephadex. Sắc ký lớp mỏng dùng để theo dõi vết các chất từ dịch chiết phân đoạn và kiểm tra độ tinh khiết các chất phân lập.

- Xác định cấu trúc các chất phân lập: Xác định cấu trúc của các chất phân lập được dựa trên phân tích kết quả phổ hồng ngoại (IR), phổ khối (MS), phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) sử dụng chất nội chuẩn là TMS (tetramethyl silan) và so sánh các dữ liệu thu được từ thực nghiệm với các dữ liệu trong các tài liệu đã công bố.

            Kết luận

            Bằng các phương pháp sắc ký, nhóm nghiên cứu đã phân lập được bốn flavonoid từ cắn phân đoạn ethyl acetat của phần trên mặt đất cây mũi mác (Desmodium triquetrum (L.)) DC thu hái tại Bắc Kạn. Dựa vào số liệu các phổ đo được và so sánh với tài liệu đã công bố, các hợp chất này được xác định là kaempferol (1), astragalin (2), isoquercitrin (3), quercitrin (4). Trong bốn hợp chất phân lập được, hợp chất quercitrin (4) lần đầu tiên được tìm thấy trong loài D. triquetrum (L.) DC. Đây là đóng góp mới của nghiên cứu nhằm làm phong phú thêm tri thức về hóa thực vật học của cây mũi mác D. Triquetrum (L.) DC.  

điểm /   đánh giá
Published
2016-03-15
Section
ARTILES