Định tên và đánh giá hoạt tính sinh học một số chủng nấm rễ phân lập trên cây bạch chỉ

  • Trần Thị Như Hằng
  • Đỗ Hoàng Hải
  • Nguyễn Đình Luyện
  • Hoàng Kim Chi
  • Lê Mai Hương

Tóm tắt

Bạch chỉ có tên khoa học là Angelica dahurica (Fisch. ex Hoffm.) Benth. et Hook. f. (Từ điển cây thuốc Việt Nam, 2012); Callisace dahurica Fisch. ex Hoffm.; Angelica dahurica (Fisch.) Benth. & Hook. f. ex Franch.& Sav. Từ khi cây được nhập nội vào nước ta đến nay, giống bạch chỉ trồng ở các vùng sản xuất ngày càng bị thoái hóa, tỷ lệ cây ra hoa nhiều và năng suất giảm, dẫn đến diện tích trồng và sản lượng bạch chỉ giảm. Để tăng năng suất cây bạch chỉ ngoài việc tác động các biện pháp kỹ thuật, thì việc bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh là việc làm hết sức cần thiết.

Nấm rễ (mycorrhiza) là một hình thức cộng sinh giữa thực vật và nấm. Trong quá trình cộng sinh với rễ cây, nấm có vai trò kích thích sinh trưởng thực vật bằng cách tiết ra rất nhiều các chất kích thích sinh trưởng như IAA, auxins, cytokinins, gibberellic acids và một số chất kháng sinh để bảo vệ cây chủ chống lại các mầm bệnh từ trong đất.

Với mục tiêu tìm kiếm các chủng nấm có hoạt tính cao, có tiềm năng ứng dụng trong tạo chế phẩm vi sinh có hiệu quả tác động tích cực lên năng suất và chất lượng các cây dược liệu của Việt Nam nói chung và cây bạch chỉ nói riêng, các tác giả tiến hành định danh và đánh giá một số hoạt tính sinh học (khả năng phân giải phosphat khó tan và khả năng sinh tổng hợp IAA thô) của 2 chủng nấm lựa chọn phân lập từ mẫu cây bạch chỉ A. dahurica tại Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp phân loại nấm bằng sinh học phân tử: Tách ADN từ nấm; Khuếch đại vùng trình tự ITS của rADN các chủng nấm nghiên cứu.

- Xác định khả năng phân giải phosphat khó tan của nấm rễ: theo TCVN 8565:2010 [Phân bón vi sinh vật - Phương pháp xác định hoạt tính phân giải phosphat của vi sinh vật].

- Xác định khả năng sinh tổng hợp IAA của nấm rễ: theo phương pháp Salkowsky cải tiến của Misra và Kaushik (1989).

Kết quả nghiên cứu

            Bằng phương pháp sinh học phân tử đã định tên phân loại 2 chủng nấm rễ: Diaporthe phaseolorum (SH3) và Stemphylium lycopersici (SH4).

            Cả 2 chủng nấm đều biểu hiện khả năng phân giải phosphat khó tan cũng như khả năng sinh chất thích sinh trưởng ở các mức độ khác nhau.

            Đây là 2 chủng nấm cộng sinh trên rễ cây và là những chủng nấm tiềm năng có thể được sử dụng góp phần tạo nên các chế phẩm vi sinh hữu hiệu có tác động tích cực lên năng suất và chất lượng các cây dược liệu của Việt Nam nói chung và cây bạch chỉ nói riêng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-03-25
Chuyên mục
BÀI BÁO