Xây dựng phương pháp phân tích hàm lượng đa độc tố vi nấm trong thực phẩm

  • Đỗ Hữu Tuấn
  • Trần Cao Sơn
  • Lê Thị Hồng Hảo
  • Thái Nguyễn Hùng Thu

Tóm tắt

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Trong số vài trăm ngàn loài nấm mốc khác nhau có khoảng 50 loài là có hại cho người và động vật. Các loài này có thể chia thành hai nhóm: gây bệnh và gây ngộ độc. Độc tố do các loài nấm mốc tạo ra được gọi chung là mycotoxin. Các độc tố vi nấm thường gặp trong thực phẩm ở nước ta gồm có: aflatoxin, ochratoxin, zearalenon, fumonisin. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia cần thực hiện phân tích nguy cơ đối với các độc tố vi nấm để làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách quản lý. Hiện nay, các phương pháp chuẩn được sử dụng chỉ xác định được riêng từng độc tố vi nấm. Nếu sử dụng các phương pháp này thì việc phân tích xác định mức độ nhiễm độc tố vi nấm trong các mẫu trở nên khó khả thi vì số lượng xét nghiệm quá lớn, thời gian và nguồn lực không đủ đáp ứng. Do vậy cần có phương pháp có thể xác định đồng thời hàm lượng các độc tố trên cùng mẫu thực phẩm để giải quyết yêu cầu của thực tiễn.

Phương pháp nghiên cứu

- Xử lý mẫu theo kỹ thuật QuEChERS dựa trên chiết bằng acetonitril và tách nước bằng phân bố lỏng lỏng nhờ muối MgSO4. Dịch chiết được làm sạch bằng chiết phân tán pha rắn (d-SPE) sau đó được xác định bằng LC-MS/MS.

- Phương pháp được thẩm định về tính chọn lọc bằng so sánh phổ của các chất phân tích trên 3 mẫu: mẫu trắng, mẫu chuẩn và mẫu thêm chuẩn. Ngoài ra, tính chọn lọc còn được khẳng định bằng số điểm nhận dạng và tỷ lệ các ion theo tiêu chuẩn EC657/2002 của Châu Âu. Khoảng tuyến tính được xác định bằng cách đo các dung dịch chuẩn có nồng độ thay đổi từ 2 đến 200 ng/ml (tương đương 0,01 đến 1 mg/kg trên nền mẫu) và khảo sát sự phụ thuộc của tín hiệu vào nồng độ. Phương pháp được thẩm định độ lặp lại và độ thu hồi bằng tiến hành thí nghiệm lặp lại trên nền mẫu trắng thêm chuẩn ở các mức nồng độ khác nhau là 0,01; 0,1 và 1 mg/kg (n = 6). Giới hạn phát hiện và giới hạn định lượng được xác định theo phương pháp thông dụng.

Kết quả nghiên cứu

Đã khảo sát và lựa chọn được điều kiện tối ưu cho quy trình xác định đồng thời 4 độc tố vi nấm là aflatoxin B1, ochratoxin  A, zearalenon và fumonisin B1 trên nền mẫu ngũ cốc và hạt có dầu.

Quy trình đã được thẩm định đạt tiêu chuẩn của EU với các tiêu chí: độ chọn lọc, khoảng tuyến tính, giới hạn định lượng, độ lặp lại, tỷ lệ thu hồi.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-04-08
Chuyên mục
BÀI BÁO