Chi phí điều trị từ ngân sách quốc gia của các bệnh nhân HIV/AIDS ngoại trú tỉnh Hải Dương năm 2015

  • Nguyễn Thị Thanh Hương
  • Đinh Xuân Đại

Tóm tắt

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), HIV/AIDS hiện đang là một trong những vấn đề y tế công cộng lớn nhất toàn cầu. Tại Việt Nam, tính đến ngày 18/06/1015, toàn quốc có 227.114 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống, số bệnh nhân AIDS là 71.115, số ca tử vong vì AIDS là 74.442 nhưng mới chỉ có 95.752 bệnh nhân điều trị ARV trong đó 91.156 người lớn và 4.596 trẻ em. Việt Nam đang dần thoát khỏi nhóm các quốc gia nghèo và thu nhập thấp nên trong thời gian tới, nguồn kinh phí viện trợ từ nước ngoài bị cắt giảm nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều nhà tài trợ đã ngừng cấp kinh phí hỗ trợ công tác điều trị và phòng chống HIV/AIDS cho Việt Nam. Nhằm đem lại một số thông tin về các chi phí từ ngân sách quốc gia đang chi trả cho các bệnh nhân HIV/AIDS, nghiên cứu được thưc hiện với 2 mục tiêu:

- Xác định chi phí điều trị từ ngân sách quốc gia bình quân cho một bệnh nhân HIV/AIDS ngoại trú điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương.

- Phân tích các thành phần chi phí từ ngân sách quốc gia trong năm 2015.

Phương pháp nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Các bệnh nhân HIV/AIDS ngoại trú được quản lý và theo dõi điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương năm 2015.

- Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu số liệu. Dữ liệu được thu thập bằng cách hồi cứu các báo cáo về chi phí đã sử dụng trong năm 2015 cho 871 bệnh nhân HIV/AIDS của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương (Báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động năm 2015, Báo cáo kiểm kê tài sản cố định năm 2015, Báo cáo tổng hợp nhập - xuất - tồn năm 2015), đồng thời kết hợp phỏng vấn và hồi cứu bệnh án của 308 bệnh nhân để tính toán chi phí.

- Xử lý số liệu: Bằng phần mềm Microsoft Excel 2010.

Kết quả nghiên cứu

Chi phí điều trị từ ngân sách quốc gia bình quân cho 1 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương năm 2015 là 13,88 triệu đồng, phần lớn là dành cho thanh toán cá nhân, cơ sở vật chất và thuốc ARV. Ngân sách quốc gia chi trả cho 1 bệnh nhân sử dụng phác đồ bậc 2 là 27,72 triệu đồng, gấp 2,13 lần cho 1 bệnh nhân dùng phác đồ bậc 1 (13,02 triệu đồng), chủ yếu là do chi phí thuốc ARV bậc 2 đắt gấp 7 lần thuốc ARV bậc 1. Chi phí điều trị cho trẻ em cao hơn người lớn, lần lượt là 16,05 triệu đồng và 13,66 triệu đồng/1 bệnh nhân, cũng chủ yếu do chi phí thuốc ARV.

Hiện nay, một lượng lớn ngân sách quốc gia đang chi trả cho chi phí thanh toán cá nhân và tài sản cố định. Hơn nữa, chi phí các thuốc ARV bậc 2 cao gấp 7 lần chi phí ARV bậc 1. Vì vậy, nhằm giảm thiểu nguồn chi phí đang là gánh nặng cho Chính phủ, cần hợp lý hóa nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế, tránh lãng phí; đồng thời hạn chế tình trạng kháng thuốc ARV bằng một số biện pháp như nâng cao hiểu biết về việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân để tránh việc chuyển từ phác đồ bậc 1 lên các phác đồ cao hơn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là với các bệnh nhân HIV/AIDS.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-05-18
Chuyên mục
BÀI BÁO