Nghiên cứu tác dụng giảm đau và chống viêm của cây gối hạc

  • Nguyễn Thị Phương
  • Nguyễn Thùy Dương
  • Đậu Thị Giang
  • Nguyễn Minh Khởi
  • Phương Thiện Thương

Tóm tắt

            Cây gối hạc có tên khoa học là Leea rubra Blume ex Spreng., họ gối hạc (Leeaceae). Cây được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan... Ở Việt Nam, gối hạc phân bố rộng từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Huế vào tới Đắc Lắc, Bà Rịa-Vũng Tàu... Về công dụng, rễ củ gối hạc được dùng chữa bệnh đau nhức xương khớp, tê thấp, chữa sưng tấy, sưng đầu gối do phong thấp. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, các công trình nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng sinh học của loài này còn tương đối hạn chế. Bài báo này công bố kết quả nghiên cứu trên động vật thực nghiệm về tác dụng chống viêm, giảm đau của cao chiết rễ và lá của cây gối hạc, nhằm góp phần sáng tỏ công dụng của dược liệu được sử dụng trong dân gian.

Phương pháp nghiên cứu

- Đánh giá tác dụng giảm đau trung ương trên mô hình mâm nóng.

- Đánh giá tác dụng giảm đau ngoại vi trên mô hình gây đau quặn bằng acid acetic.

- Đánh giá tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng carrageenan.

- Đánh giá tác dụng chống viêm mạn trên mô hình gây u hạt thực nghiệm bằng viên bông.

            Kết quả nghiên cứu

            + Tác dụng giảm đau: Cao GHL liều 100 và 400 mg/kg có tác dụng giảm số cơn đau quặn trong 10 phút đầu của thực nghiệm gây đau quặn trong khi liều 200 mg/kg có tác dụng này trong toàn bộ 30 phút nghiên cứu. Cao GHR ở cả 3 mức liều thử đều làm giảm số cơn quặn đau từ phút đầu đến phút thứ 20 của thực nghiệm gây đau quặn.

            + Tác dụng chống viêm: Cao GHL liều 100 mg/kg có tác dụng chống viêm cấp tại các thời điểm 1 giờ và 3 giờ sau khi gây viêm, liều 200 mg/kg có tác dụng tại các thời điểm 1, 3 và 5 giờ sau khi gây viêm trên mô hình gây phù bàn chân chuột. Cả hai mức liều 100 và 200 mg/kg đều có tác dụng chống viêm mạn trên mô hình gây u hạt thực nghiệm. Cao GHR liều 100 và 200 mg/kg cùng thể hiện tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù bàn chân chuột tại các thời điểm 1 giờ và 3 giờ sau khi gây viêm. Trên mô hình gây u hạt thực nghiệm, GHR chỉ thể hiện tác dụng chống viêm mạn với mức liều 200 mg/kg.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-05-18
Chuyên mục
BÀI BÁO