Ứng dụng kỹ thuật polymerase chain reaction (PCR) để phát hiện trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) trong một số chế phẩm thuốc tự tạo

  • Trần Thị Thu Cúc
  • Khổng Thị Minh Huệ
  • Nguyễn Thị Lập

Tóm tắt

Pseudomonas aeruginosa (P. aeruginosa) là vi khuẩn phổ biến gây bệnh cho người và động vật. Do vi khuẩn có khả năng dị hóa để lấy năng lượng từ các hợp chất hữu cơ hoặc vô cơ nên nếu có mặt trong thuốc chúng có thể sẽ gây ra sự hư hỏng công thức thuốc bằng cách phá hỏng hoạt chất cũng như các tá dược. Hơn thế nữa, sự hiện diện của một số lượng lớn các vi sinh vật nhất là các vi sinh vật gây bệnh sẽ là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng cho người dùng thuốc. Vì vậy, việc giám sát chặt chẽ các vi sinh vật này không được có mặt trong thuốc là vấn đề tối cần thiết. Sử dụng các phương pháp truyền thống trong phát hiện thường mất nhiều công sức, tốn thời gian, chậm và đôi khi không đặc hiệu nên không đáp ứng được các trường hợp cần chẩn đoán nhanh, chính xác và điều trị kịp thời. PCR đã được nghiên cứu và đang được ứng dụng rộng rãi trong các phòng kiểm nghiệm trên thế giới nhằm phát hiện một cách nhanh chóng, chính xác các vi sinh vật chỉ điểm y tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam các phương pháp sinh học phân tử như PCR trong kiểm nghiệm thuốc phát hiện vi sinh vật gây bệnh như P. aeruginosa chưa được nghiên cứu, triển khai và ứng dụng. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục tiêu sau: xây dựng phương pháp phát hiện trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa) trong chế phẩm thuốc tự tạo bằng kỹ thuật PCR.

Phương pháp nghiên cứu

- Các bước tạo mẫu thuốc tự tạo dùng trong nghiên cứu.

- Phát hiện P. aeruginosa theo phương pháp truyền thống.

- Tách chiết DNA của vi khuẩn.

- Nhân bản đoạn gen 16S ribosomal RNA của các loài vi khuẩn bằng kỹ thuật PCR.

- Nhân bản của các đoạn gen của P. aeruginosa bằng các cặp mồi đặc hiệu đã chọn.

- Đánh giá độ đặc hiệu.

- Đánh giá ngưỡng phát hiện của phương pháp.

Kết quả nghiên cứu

            Nghiên cứu đã xây dựng được quy trình phát hiện P. aeruginosa  trong năm mẫu thuốc tự tạo bằng kỹ thuật PCR. So với kết quả phát hiện từ quy trình của phương pháp truyền thống, kết quả ứng dụng PCR cho thấy độ nhạy cao hơn (ngưỡng phát hiện < 10 CFU), độ đặc hiệu cao (thử trên 26 mẫu, cho độ đặc hiệu 100%), và đặc biệt là thời gian chỉ từ  20 - 27 giờ. Kết quả này rất có ý nghĩa cho công tác kiểm nghiệm, sản xuất thuốc và điều trị kịp thời. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-10-07
Chuyên mục
BÀI BÁO