Nghiên cứu bào chế và đánh giá tương đương độ hòa tan in-vitro viên bao phim chứa metoprolol 50 mg phóng thích kéo dài và amlodipin 5 mg phóng thích nhanh với viên đối chiếu Selomax® 50/5

  • Nguyễn Thị Linh Tuyền
  • Đỗ Quang Dương
  • Lê Thị Cẩm Thúy
  • Nguyễn Đức Tuấn
  • Lê Quan Nghiệm

Tóm tắt

Theo Hiệp hội tăng huyết áp Châu Âu (ESH) và Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) 2013, hầu hết bệnh nhân cao huyết áp cần ít nhất hai thuốc để đạt huyết áp mục tiêu. Nhược điểm của metoprolol là bị chuyển hóa mạnh bởi enzym gan và có thời gian bán thải ngắn (3 - 4 giờ) và sinh khả dụng thấp (khoảng 40 %) gây bất tiện do phải dùng nhiều lần trong ngày, còn amlodipin thuốc có thời gian bán thải dài từ 30 - 40 giờ. Để khắc phục tình trạng này, kết hợp metoprolol và amlodipin trong một viên dưới dạng viên nén hai lớp với cơ chế phóng thích hoạt chất khác nhau, metoprolol phóng thích kéo dài và amlodipin phóng thích nhanh là biện pháp tối ưu giúp kiểm soát huyết áp ổn định suốt 24 giờ, giảm tác dụng không mong muốn... Hiện nay, ở Việt Nam chưa có đề tài nào nghiên cứu dạng viên có phối hợp 2 thành phần trên, do đó mục tiêu của đề tài này là nghiên cứu bào chế viên nén hai lớp chứa metoprolol 50 mg phóng thích kéo dài và amlodipin 5 mg phóng thích nhanh có độ giải phóng hoạt chất tương đương thuốc đối chiếu Selomax® 50/5 và đánh giá tương đương độ hòa tan in-vitro của chế phẩm này với viên đối chiếu Selomax® 50/5.

Phương pháp nghiên cứu

- Khảo sát độ hòa tan của viên Selomax®.

- Tối ưu hóa công thức bào chế viên nén chứa metoprolol 50 mg phóng thích kéo dài và amlodipin 5 mg phóng thích nhanh.

- Thử nghiệm độ hòa tan của viên nghiên cứu và so với viên đối chiếu Selomax® 50/5 trong ba môi trường pH khác nhau và mô hình động học giải phóng hoạt chất của metoprolol.

Kết quả nghiên cứu

            Kết quả nghiên cứu cho thấy với tỷ lệ polymer là 45 %, tá dược độn starch-ditab (2:1) và tá dược siêu rã natri croscarmellose 2 % đã được chọn làm công thức bào chế viên nghiên cứu. Hệ số tương đồng f2 biểu thị cho khả năng giải phóng hoạt chất metoprolol trong môi trường pH 1,2; pH 4,5 và pH 6,8 lần lượt là 75,06; 66,68 và 69,48. Khả năng giải phóng hoạt chất amlodipin của viên nghiên cứu và viên Selomax® 50/5 trong cả 3 môi trường đều lớn hơn 85 % tại thời điểm 15 phút. Như vậy, viên nghiên cứu và viên đối chiếu Selomax® 50/5 có khả năng giải phóng hoạt chất trong 3 môi trường là tương đương nhau. Động học giải phóng metoprolol từ dạng bào chế của viên nghiên cứu và viên đối chiếu theo mô hình bậc 1 ở môi trường pH 1,2 và pH 6,8; theo mô hình Higuchi ở pH 4,5. Điều này đúng với dạng bào chế khung matrix của viên nghiên cứu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-10-07
Chuyên mục
BÀI BÁO