So sánh, nhận biết sự có mặt của các ginsenosid trong sâm Ngọc Linh nuôi cấy sinh khối và nuôi trồng tự nhiên bằng sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao

  • Đào Thị Thanh Hiền
  • Hà Vân Oanh

Tóm tắt

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) được chứng minh là có giá trị dược liệu rất cao, xếp vào nhóm sâm quý của thế giới. Cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng chậm, lâu được thu hoạch, chỉ trồng được ở một số điều kiện sinh thái nhất định, do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu về dược liệu của thị trường hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ nuôi rễ tóc sẽ góp phần tạo nguồn dược liệu quý phục vụ sức khỏe cộng đồng và đóng góp cho công tác bảo tồn các cây dược liệu quý của Việt Nam. Hợp chất saponin được xem là thành phần hoạt chất chủ yếu của cây sâm Ngọc Linh, trong đó các saponin có cấu trúc ocotillol gồm 11 hợp chất với các đại diện chính là: majonoside -R1 và -R2. Đặc biệt MR2 chiếm gần 50% hàm lượng saponin toàn phần từ phần dưới mặt đất của sâm Ngọc Linh và là hợp chất chủ yếu của sâm Ngọc Linh. Để kiểm tra chất lượng của sinh khối sâm Ngọc Linh nuôi cấy, tiến hành so sánh mẫu sinh khối sâm nuôi cấy với sâm trồng tự nhiên và các ginsenosid chuẩn bằng sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao, là phương pháp sắc ký lớp mỏng có tính chính xác và độ tin cậy cao.

Phương pháp nghiên cứu

- Xây dựng phương pháp chiết tạo mẫu thử: Khảo sát hai hệ dung môi chiết xuất là methanol: nước (1:1) và methanol với phương pháp chiết xuất lạnh trong bể siêu âm.

- Khảo sát hệ dung môi: Tiến hành khảo sát trên 4 hệ dung môi.

            Kết quả nghiên cứu

Đã khảo sát hai hệ dung môi chiết xuất là methanol: nước (1:1) và methanol với phương pháp chiết xuất lạnh trong bể siêu âm. Kết quả thu được cho thấy cả hai hệ dung môi cho các vết trên sắc ký đồ tương đương nhau nhưng dung môi methnol được chọn do dễ cô đặc dịch chấm sắc ký hơn.

            Đã thử nghiệm trên 4 hệ dung môi sắc ký khác nhau và kết quả thu được tốt nhất trên hệ dung môi 2:  Chloroform: methanol:  nước (65: 35:10). Hệ này tách rõ ràng các vết nhất trên sắc ký đồ.

 

            Bằng sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao đã phát hiện trên mẫu sâm nuôi cấy chỉ có majonosid MR2 còn trên các mẫu sâm tự nhiên có cả 3 ginsenosid là ginsenosid Rb1, ginsenosid Rg1, majonosid MR2.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-10-14
Chuyên mục
BÀI BÁO