Một số hợp chất phân lập từ rễ cây ba kích (Morinda officinalis How.) trồng ở tỉnh Quảng Ninh

  • Vũ Đức Lợi
  • Nguyễn Tiến Vững
  • Nguyễn Thị Thúy An

Tóm tắt

Vị thuốc ba kích được lấy từ rễ phơi hay sấy khô của cây ba kích. Vị thuốc này được dùng để chữa dương ủy di tinh, phong thấp cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau. Là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, ba kích còn chữa các bệnh liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bệnh phong thấp. Các công trình nghiên cứu hóa học về cây ba kích (Morinda officinalis How.) chủ yếu được tiến hành ở Trung Quốc, các kết quả nghiên cứu đã phân lập được một số thành phần trong cây chủ yếu là các anthraquinon bằng phương pháp sắc ký hiện đại. Một số nghiên cứu về hoạt tính sinh học cũng đã được tiến hành và kết quả chỉ ra dịch chiết ba kích có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ cấu trúc màng tế bào tinh dịch ở người. Ở Việt Nam, một số công trình nghiên cứu về cây ba kích cũng đã chỉ ra tác dụng tăng lực, tác dụng chống viêm và có tác dụng nội tiết theo kiểu hướng androgen. Tuy nhiên đến nay tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về cây ba kích trồng tại Việt Nam. Để góp phần làm sáng tỏ tác dụng cũng như xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm dược liệu ba kích, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chiết xuất phân lập một số hợp chất từ rễ cây ba kích trồng ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết xuất và phân lập: Dung môi chiết là ethanol. Sử dụng cột silica gel pha thường để phân lập các chất.

- Xác định cấu trúc các hợp chất phân lập được thông qua kết quả đo nhiệt độ nóng chảy, góc quay cực riêng, phổ tử ngoại- khả kiến, phổ khối, phổ cộng hưởng từ hạt nhân và so sánh với các dữ liệu công bố.

            Kết quả nghiên cứu

            Đã sử dụng phương pháp ngâm chiết với dung môi EtOH 40 % và bằng phương pháp sắc ký cột phân lập được 3 hợp chất từ rễ cây ba kích trồng ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Xác định cấu trúc các hợp chất phân lập được thông qua kết quả đo nhiệt độ nóng chảy, góc quay cực riêng, phổ tử ngoại- khả kiến, phổ khối, phổ cộng hưởng từ hạt nhân và so sánh với các dữ liệu công bố của các hợp chất liên quan, đã xác định được cấu trúc 3 hợp chất phân lập đó là: 12α-hydroxyevodol, friedelan-3-on, daucosterol. Trong đó hai hợp chất: 12α-hydroxyevodol, friedelan-3-on lần đầu tiên được phân lập từ rễ cây ba kích (Morinda officinalis How.).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2016-10-14
Chuyên mục
BÀI BÁO