Đánh giá tác dụng chống viêm và giảm đau của hạt cần tây trên động vật thực nghiệm

  • Nguyễn Thùy Dương
  • Nguyễn Thu Hằng

Tóm tắt

Cây cần tây là loại cây rau ăn được trồng rất phổ biến trên thế giới và đã được di thực về trồng tại Việt Nam. Ngoài làm rau ăn hoặc gia vị, cần tây còn được sử dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, làm thuốc lợi tiểu, thông mật, phòng chống xơ cứng động mạch, chữa các bệnh về khớp, trong đó có bệnh gút. Một số tác giả trên thế giới cũng đã bước đầu nghiên cứu về tác dụng hạ acid uric, tác dụng chống viêm của cần tây. Tại Việt Nam, cho đến nay hầu như chưa có đánh giá một cách đầy đủ về tác dụng hỗ trợ điều trị gút của cây cần tây, đặc biệt là hạt cần tây. Trong nghiên cứu trước, đã công bố tác dụng hạ acid uric huyết thanh và khả năng ức chế xanthin oxidase in vivo của hạt cần tây. Trong bài báo này, hạt cần tây được tiếp tục nghiên cứu khả năng chống viêm và giảm đau thực nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế lô nghiên cứu và liều dùng.

- Đánh giá tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù bàn chân chuột cống trắng bằng carrageenan.

- Đánh giá tác dụng chống viêm trên mô hình gây viêm màng hoạt dịch khớp gối chuột cống trắng bằng tinh thể natri urat.

- Đánh giá tác dụng giảm đau ngoại vi trên mô hình gây đau quặn chuột nhắt trắng bằng acid acetic.

- Phương pháp xử lý số liệu thống kê: Với các số liệu thuộc phân phối chuẩn, kết quả được biểu diễn dưới dạng M ± SE. So sánh giá trị trung bình giữa các lô bằng phân tích one-way ANOVA, hậu kiểm để so sánh giữa thử với chứng. Với các số liệu không thuộc phân phối chuẩn, biến phân hạng, kết quả được trình bày dưới dạng trung vị. Dùng thuật toán Kruskal Wallis để so sánh giữa các lô, Mann-Whitney U test để so sánh giữa thử với chứng.

Kết quả nghiên cứu

            - Trên mô hình gây phù bàn chân chuột, cao hạt cần tây liều 250 và 500 mg/kg có tác dụng chống viêm cấp, làm giảm phù bàn chân chuột so với lô chứng, tỷ lệ ức chế lần lượt là 37,6 % và 60,6 % tại thời điểm 1 giờ sau khi gây viêm.

            - Trên mô hình gây viêm màng hoạt dịch khớp gối, cao hạt cần tây liều 250 mg/kg làm giảm triệu chứng viêm so với lô chứng tại thời điểm 4 và 5 giờ sau khi gây viêm trong khi liều 500 mg/kg làm giảm triệu chứng viêm so với lô chứng tại cả ba thời điểm 4; 5 và 6 giờ sau khi gây viêm.

            - Trên mô hình gây đau quặn bằng acid acetic, cao hạt cần tây liều 250 mg/kg làm giảm số cơn quặn đau so với lô chứng từ phút thứ 10 đến hết phút thứ 30.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-01-05
Chuyên mục
BÀI BÁO