Phân tích một số giải pháp tăng cường hoạt động báo cáo ADR tại 10 bệnh viện tuyến tỉnh Việt Nam

  • Nguyễn Thị Thanh Hương
  • Nguyễn Hoàng Anh
  • Trần Thị Lan Anh
  • Lê Thu Thủy

Tóm tắt

            Báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) gửi đến Trung tâm Cảnh giác Dược Quốc gia được coi là hoạt động quan trọng nhất để phát hiện các tín hiệu an toàn thuốc, là bước đầu tiên của quy trình Cảnh giác Dược. Tuy nhiên, không phải tất cả các ADR xảy ra trong thực hành được báo cáo tới Trung tâm Cảnh giác Dược. Thực trạng báo cáo thiếu đã trở thành hạn chế lớn nhất của hoạt động báo cáo tự nguyện ADR từ cán bộ y tế (CBYT) ở tất cả các quốc gia. Các nghiên cứu về hoạt động báo cáo ADR của CBYT trên thế giới và tại Việt Nam thường tập trung khảo sát, phân tích các khó khăn, nguyên nhân không tham gia báo cáo ADR và chỉ ra những biện pháp can thiệp giúp tăng cường một cách hệ thống hoạt động này. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào ở trong nước phân tích để đưa ra các giải pháp can thiệp phù hợp với thực tế của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu Đưa ra một số giải pháp tăng cường hoạt động báo cáo ADR tại 10 bệnh viện tuyến tỉnh Việt Nam thông qua việc phân tích những hạn chế của các giải pháp đã triển khai tại bệnh viện.

Phương pháp nghiên cứu

            Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp định lượng và định tính được tiến hành từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2015 tại 10 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Kết quả nghiên cứu

            Một số giải pháp tăng cường hoạt động báo cáo ADR quan trọng đã được xác định bởi nghiên cứu gồm: có cán bộ đầu mối là dược sĩ tại các bệnh viện, tăng cường hình thức báo cáo trực tuyến; tăng cường tần suất, mở rộng đối tượng đào tạo, tập huấn; nội dung phản hồi từ trung tâm DI & ADR Quốc gia cần đưa ra những thông tin mang tính chất chuyên môn hơn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-01-05
Chuyên mục
BÀI BÁO