Thực trạng tiêu thụ kháng sinh tại Việt Nam và mức độ đáp ứng của công nghiệp dược trong nước giai đoạn năm 2006-2014

  • Chu Quốc Thịnh
  • Hứa Thanh Thủy

Tóm tắt

Thực trạng kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu và đặc biệt đáng quan ngại ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Các dữ liệu về tiêu thụ kháng sinh giúp các chuyên gia y tế đánh giá hiệu quả của các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời cung cấp bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách. Tại Việt Nam, có khá nhiều nghiên cứu tìm hiểu về việc sử dụng kháng sinh và đều cho thấy tình trạng sử dụng kháng sinh quá mức, không hợp lý của cả cán bộ y tế và người dân. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ được thực hiện tại một hoặc một vài cơ sở khám chữa bệnh riêng lẻ, chưa có nghiên cứu nào cho dữ liệu ở cấp độ quốc gia về mức độ tiêu thụ kháng sinh và đặc biệt chưa phân loại được kháng sinh được tiêu thụ là nhập khẩu hay sản xuất trong nước. Do đó các khuyến nghị chỉ dừng lại ở góc độ dược lâm sàng, chưa cung cấp bằng chứng đủ mạnh cho các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng để xây dựng các quyết sách phù hợp điều tiết lại việc nhập khẩu và định hướng công nghiệp dược trong nước. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu quốc gia về thuốc thành phẩm và nguyên liệu nhập khẩu được thực hiện với hai mục tiêu:

1. Mô tả mức độ và xu hướng tiêu thụ thuốc kháng sinh tại Việt Nam giai đoạn năm 2006-2014.

 2. Sơ bộ đánh giá mức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thuốc kháng sinh của công nghiệp dược trong nước giai đoạn năm 2006-2014.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp mô tả, hồi cứu toàn bộ các thuốc thành phẩm và nguyên liệu làm thuốc thuộc nhóm kháng khuẩn tác dụng toàn thân được nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/1/2006 đến 31/12/2014 chứa 84 hoạt chất đơn thành phần hoặc dạng phối hợp

Kết quả

Tiêu thụ kháng sinh của Việt Nam ở mức cao và tăng nhanh so với các quốc gia Châu Âu và Hàn Quốc cảnh báo về thực trạng kháng kháng sinh sẽ ngày càng báo động. Đóng góp chính vào mức tiêu thụ kháng sinh tại Việt Nam là thuốc sản xuất trong nước (tỷ trọng từ 76,79 - 88,28 %), tuy nhiên có sự trùng lắp giữa thuốc sản xuất trong nước với thuốc nhập khẩu từ quốc gia nhóm 1 đối với các nhóm thuốc J01CA- penicillin phổ rộng, J01CR-Dạng kết hợp của penicillin với ức chế beta-lactamase; J01DB- Cephalosporin thế hệ 1, và J01DC- Cephalosporin thế hệ 2. Đối với nhóm cephalosporin thế hệ 3, hiện tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhập khẩu trong khi năng lực sản xuất trong nước hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-01-06
Chuyên mục
BÀI BÁO