Bào chế viên nén chứa hệ phân tán rắn andrographolid

  • Nguyễn Thị Hường
  • Phan Thị Phượng
  • Nguyễn Trần Linh

Tóm tắt

            Andrographolid là một diterpen lacton phân lập từ xuyên tâm liên (Andrographis paniculata Wall. ex. Nees, thuộc họ Ô rô - Acanthaceae) đã được chứng  minh có nhiều tác dụng sinh học. Tuy nhiên, do rất ít tan trong nước nên khi bào chế ở dạng rắn như viên nén hoặc viên nang thì mức độ cũng như tốc độ hòa tan của hoạt chất ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu thuốc trong cơ thể. Bài báo trước đã lựa chọn được phương pháp nghiền để bào chế hệ phân tán rắn chứa andrographolid với nhiều ưu điểm như phương pháp bào chế đơn giản, dễ áp dụng để bào chế viên nén và đặc biệt cải thiện được độ tan, tốc độ hòa tan so với nguyên liệu ban đầu. Để đưa hệ phân tán vào áp dụng, tiến hành "Bào chế viên nén chứa hệ phân tán rắn andrographolid" nhằm cải thiện được mức độ và tốc độ hòa tan so với viên chỉ chứa dược chất thông thường.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp bào chế HPTR.

- Phương pháp thiết kế thí nghiệm và tối ưu hóa công thức: Sử dụng phần mềm MODDE 8.0 (Umetrics Inc, USA), INForm v3.1, Form rules v2.0 (Intelligensys Ltd, UK).

- Phương pháp bào chế viên nén: Viên thử AS1, viên đối chiếu AS0.

- Phương pháp đánh giá viên nén: Xác định hàm lượng dược chất trong viên bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao.

Kết quả                            

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến HPTR nhận thấy: Tỷ lệ β-CD trong HPTR càng tăng càng thì andrographolid càng dễ lồng vào trong khoang của β-CD, làm tăng liên kết phức hợp β-CD và andrographolid do đó cải thiện tính thấm của hệ góp phần thúc đẩy độ hòa tan của hoạt chất.  Ngược lại, khi tăng thể tích dung môi ethanol 40 % thì phần trăm hòa tan của andrographolid sau 20 phút giảm có mức độ khác nhau: khi tăng thể tích dung môi từ 15 - 20 ml thì tỷ lệ hòa tan andrographolid giảm chậm hơn khi tăng tích dung môi từ 20 - 25 ml do andrographolid chỉ tan đến một mức nhất định; do vậy, sau 20, 25 và 30 phút thì phần trăm andrographolid hòa tan có chiều hướng giảm dần. Với HPTR (công thức tối ưu: Andrographolid (2 g); β-CD (14 g); Tween 80 (0,22 g); Ethanol 40 % (15 ml)) được ứng dụng vào viên nén cho thấy viên nén (HPTR (247,24 mg) chứa andrographolid 30 mg; Combilac (500,30 mg); talc (8,73 mg) và magnesi stearat (8,73 mg)) cải thiện độ hòa tan của hoạt chất gấp khoảng 4 lần so với độ hòa tan của hoạt chất ban đầu. Trong quá trình bào chế viên không gặp nhiều khó khăn về nguyên vật liệu và phương tiện kỹ thuật nên có khả năng áp dụng được vào sản xuất. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-01-06
Chuyên mục
BÀI BÁO