Nghiên cứu độc tính của cao lỏng phần trên mặt đất cây tiên hạc thảo

  • Nguyễn Văn Lĩnh
  • Phạm Thanh Kỳ
  • Nguyễn Hoàng Ngân
  • Vũ Mạnh Hùng

Tóm tắt

Cây tiên hạc thảo (còn gọi là long nha thảo, qua hương thảo, tử mẫu thảo...) (Agrimonia pilosa Ledeb var. pilosa, họ Hoa hồng - Rosaceae) mọc hoang nhiều trên các vùng núi cao phía Bắc nước ta... Trong Đông y, tiên hạc thảo được xếp vào nhóm "thu liễm chỉ huyết", dùng làm thuốc cầm máu, chữa thổ huyết, khái huyết, kiết lỵ, sốt rét, mụn nhọt lở loét ngoài da. Một số nghiên cứu cho thấy tiên hạc thảo có tác dụng chống viêm, diệt tế bào ung thư, kháng virus... Cùng với nghiên cứu về thành phần hóa học, bài báo này thông báo kết quả nghiên cứu về độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của cao lỏng phần trên mặt đất cây tiên hạc thảo trên thực nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu độc tính cấp của cao lỏng  phần trên mặt đất cây tiên hạc thảo (CL1) trên chuột nhắt trắng bằng đường uống theo phương pháp Litchfield - Wilcoxon.

- Nghiên cứu độc tính bán trường diễn trên thực nghiệm theo qui định của Bộ Y tế Việt Nam, WHO và OECD.

Kết quả

Các kết quả trên cho thấy CL1 có tính an toàn cao:

+ Độc tính cấp: Chưa tìm thấy LD50  của CL1 theo đường uống trên chuột nhắt trắng. Với mức liều cao nhất có thể cho chuột uống trong 24 giờ là 360,0 g dược liệu khô/kg thể trọng không xuất hiện độc tính cấp.

+ Độc tính bán trường diễn: Cho thỏ uống CL1 hàng ngày với các mức liều 1 g dược liệu khô/kg thể trọng thỏ và 5 g dược liệu khô/kg thể trọng thỏ trong 42 ngày. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lô chứng ở tất cả các chỉ số: trọng lượng cơ thể, điện tim, các chỉ số sinh hóa, huyết học. Hình ảnh mô bệnh học của gan, lách, thận bình thường. Cao lỏng CL1 không có độc tính trên các hệ cơ quan quan trọng của thỏ thí nghiệm.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-02-27
Chuyên mục
BÀI BÁO