Thực trạng tiêu thụ thuốc điều trị đái tháo đường nhập khẩu của Việt Nam và mức độ đáp ứng của công nghiệp Dược trong nước giai đoạn năm 2006 – 2014

  • Chu Quốc Thịnh
  • Hứa Thanh Thuỷ

Tóm tắt

            Theo Hiệp hội đái tháo đường quốc tế năm 2014, Việt Nam có khoảng 3,3 triệu trường hợp bị đái tháo đường và nằm trong 10 quốc gia có tốc độ tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao nhất. Trước tính cấp thiết trên, việc phòng, chống bệnh đái tháo đường đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và đến năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường trong đó có phác đồ về thuốc điều trị. Điều này đòi hỏi ngành Dược Việt Nam phải đảm bảo cung ứng thuốc thông qua nhập khẩu thuốc thành phẩm và chủ động sản xuất trong nước để phục vụ nhu cầu điều trị ngày càng tăng và đáp ứng phác đồ thuốc điều trị. Các dữ liệu quốc gia về xu hướng và mức độ tiêu thụ thuốc điều trị đái tháo đường nhập khẩu cũng như mức độ đáp ứng của công nghiệp dược trong nước được đánh giá là những bằng chứng quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách có các quyết sách phù hợp trong việc điều tiết việc nhập khẩu và định hướng công nghiệp Dược trong nước. Nghiên cứu được thực hiện với hai mục tiêu: 1. Mô tả mức độ và xu hướng tiêu thụ thuốc nhập khẩu điều trị bệnh đái tháo đường giai đoạn năm 2006-2014; 2. Đánh giá mức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của công nghiệp Dược trong nước giai đoạn năm 2006-2014.

Phương pháp nghiên cứu

- Các chỉ số đánh giá mức tiêu thụ thuốc điều trị đái tháo đường bao gồm: kim ngạch nhập khẩu (KNNK: tổng giá trị nhập khẩu thuốc trong 1 năm, được quy đổi ra giá trị tiền USD theo tỷ giá tại thời điểm nhập khẩu); tỷ trọng KNNK; liều DID (liều hàng ngày tính toán cho 1000 dân mỗi ngày). Các chỉ số đánh giá mức độ đáp ứng bao gồm tỷ trọng liều DID; mức độ bao phủ các nhóm hoạt chất và từng hoạt chất.

- Phân chia nhóm thuốc theo mã ATC sử dụng phân loại ATC/DDD của Tổ chức Y tế thế giới cập nhật đến năm 2015.

Kết quả

Nghiên cứu đã cho thấy nhu cầu tiêu thụ thuốc điều trị đáo tháo đường nhập khẩu có xu hướng tăng và đóng vai trò đáp ứng hầu hết nhu cầu thuốc điều trị các bệnh này tại Việt Nam. Thuốc sản xuất trong nước mức độ đáp ứng thấp và không đáp ứng được hết các nhóm thuốc trong hướng dẫn điều trị của Bộ y tế, tiến tới phụ thuộc vào các quốc gia nhóm 1. Tỷ trọng tiêu thụ nhóm insulin tại Việt Nam thấp hơn các nước Châu Âu trong khi nhóm sulfunylurea cao hơn so với Châu Âu. Mức tiêu thụ thuốc điều trị đái tháo đường tại Việt Nam đang ở mức thấp và có xu hướng tăng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-02-27
Chuyên mục
BÀI BÁO