Đánh giá tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase in vitro của lá và vỏ rễ cây dâu tằm (Morus alba L.)

  • Nguyễn Thị Kim Thu
  • Đặng Kim Thu
  • Bùi Thanh Tùng

Tóm tắt

Các chất ức chế enzym xanthin oxidase (XO) làm giảm sinh tổng hợp acid uric từ các base purin và là một trong những nhóm thuốc quan trọng được sử dụng để phòng và điều trị các bệnh liên quan tới tăng acid uric máu, trong đó có bệnh gút. Việc nghiên cứu các dược liệu chứa flavonoid sẽ mang lại nguồn nguyên liệu tiềm năng để tìm ra các chất ức chế enzym XO.

            Cây dâu tằm có tên khoa học là Morus alba L., họ Dâu tằm - Moraceae. Lá dâu (tang diệp), vỏ rễ dâu (tang bạch bì), cành dâu non (tang chi), quả dâu (tang thầm) đều có dược tính thanh nhiệt, lợi thủy, lợi xương khớp, bổ gan thận, trừ phong. Lá và vỏ rễ cây dâu tằm từ lâu đã được sử dụng trong y học Trung Quốc để điều trị sốt, bảo vệ chức năng gan, cải thiện thị lực, tăng cường xương khớp, lợi tiểu và huyết áp thấp. Lá dâu tằm chủ yếu chứa rutin, quercetin, isoquercitrin và một số flavonoid khác. Flavonoid chiết xuất từ lá dâu tằm chủ yếu có tác dụng chống oxy hóa, hạ huyết áp, hạ cholesterol máu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về tác dụng ức chế enzym XO của dâu tằm. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tác dụng ức chế enzym XO của dịch chiết methanol toàn phần và các phân đoạn dịch chiết từ lá và vỏ rễ của dâu tằm trồng ở Việt Nam để định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm nâng cao giá trị sử dụng của dược liệu này.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết xuất dịch chiết methanol toàn phần và các phân đoạn dịch chiết: Ngâm chiết siêu âm bằng dung môi methanol ở 40oC.

- Đánh giá tác dụng ức chế enzym xanthin oxidase in vitro.

- Xử lý số liệu: Các số liệu nghiên cứu được xử lý thống kê sử dụng phần mềm SigmaPlot 10 (Systat Software Inc, Mỹ). Giá trị IC50 được tính dựa vào đồ thị và phương trình biểu diễn nồng độ và giá trị ức chế enzym XO.

Kết quả

            Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch chiết methanol toàn phần từ lá của cây dâu tằm ức chế enzym XO in vitro với giá trị IC50 là 76,25 µg/mL. Trong các phân đoạn dịch chiết từ lá cây dâu tằm chỉ có phân đoạn EtOAc thể hiện tác dụng ức chế XO với giá trị IC50 là 27,76 µg/mL. Còn vỏ rễ của cây dâu tằm thể hiện tác dụng ức chế XO mạnh hơn với giá trị IC50 của dịch chiết methanol toàn phần là 22,01 µg/mL. Trong các phân đoạn dịch chiết từ vỏ rễ của cây dâu tằm, phân đoạn EtOAc và phân đoạn BuOH cũng thể hiện tác dụng ức chế XO mạnh với IC50 lần lượt là 16,49 µg/mL và 87,21 µg/mL. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng của lá và vỏ rễ của cây dâu tằm để nghiên cứu các chất ức chế XO trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh gút. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-06-09
Chuyên mục
BÀI BÁO