Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng sinh của tinh dầu cây trắc bách diệp (Platycladus orientalis (L.) Franco)

  • Đinh Ngọc Thức
  • Nguyễn Thị Hà
  • Mai Thị Tho
  • Lê Nguyễn Thành

Tóm tắt

Cây trắc bách diệp (bá tử nhân) có tên khoa học là Platycladus orientalis (L.) Franco (Thujaorientalis hay Biotaorientalis), thuộc họ Trắc bách - Cupressaceae, có nguồn gốc bản địa vùng Ðông Bắc Trung Quốc, được nhập trồng làm cảnh ở nhiều nơi ở Việt Nam. Theo Đông y, trắc bách diệp có vị đắng, chát, hơi lạnh, vào 3 kinh phế, can và đại tràng, có tác dụng lương huyết, sát trùng, cầm máu, thanh thấp nhiệt, làm đen râu tóc. Trắc bách diệp được sử dụng chữa các bệnh thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), khái huyết (ho ra máu), tiện huyết (đại tiện ra máu), băng lậu hạ huyết, tóc rụng, tóc bạc sớm do huyết nhiệt. Tại Trung Quốc, trắc bách diệp là một cây dược liệu truyền thống được sử dụng để điều trị bệnh gout, thấp khớp, bệnh tiêu chảy và khí quản mãn tính. Tinh dầu trắc bách diệp được sử dụng trong nước hoa, nước khử mùi không khí hay điều trị xông hơi. Thành phần tinh dầu trắc bách diệp đã được một số nhóm khoa học trên thế giới nghiên cứu. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa thấy có nghiên cứu về thành phần hóa học tinh dầu của cây trắc bách diệp. Bài báo này báo cáo các kết quả về thành phần hóa học của mẫu tinh dầu lá và cành cây trắc bách diệp thu hái tại Thanh Hóa và hoạt tính kháng khuẩn của nó.

Nguyên liệu

Mẫu thực vật được lấy nguyên cành lá ở cây 3-4 năm tuổi tại Quảng Thành - Thanh Hóa.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết xuất tinh dầu: Phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước.

- Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu bằng phương pháp sắc ký khí - khối phổ.

- Hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu được thử trên 3 chủng vi khuẩn Gram (+), 3 chủng vi khuẩn Gram (-) và nấm Candida albicans.

Kết quả

Tinh dầu lá và cành trắc bách diệp (Platycladus orientalis (L.) Franco) thu được tại Thanh Hóa đạt 0,14% so với nguyên liệu tươi. Bằng phương pháp sắc ký khí - khối phổ đã xác định được 34 hợp chất từ tinh dầu trắc bách diệp, chiếm 98,42% tổng hàm lượng tinh dầu. Các cấu tử thành phần có tỷ lệ lớn trong tinh dầu là α-pinen (45,58%), α-humulen (12,87%), cedrol (9,07%), β-caryophylen (7,65%), myrcen (3,01%), limonen (2,98%), terpinolen (2,92%) và  germacren D (2,17%). Tinh dầu lá và cành trắc bách diệp thu được ở Thanh Hóa có tác dụng khá tốt trên chủng vi khuẩn Bacillus subtilis với giá trị IC50 = 20 μg/ml.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-06-19
Chuyên mục
BÀI BÁO