Các hợp chất xanthon và flavon phân lập từ cây đỏ ngọn (Cratoxylum prunifoliumKurtz)

  • Nguyễn Thị Mai

Tóm tắt

Cây đỏ ngọn (còn được gọi là cây thành ngạnh, vàng la, cúc lương, hoàng ngưu trà) có tên khoa học là Cratoxylum prunifolium Kurtz, thuộc họ Ban (Hypericaceae Juss). Theo kinh nghiệm dân gian cây đỏ ngọn có tác dụng  hỗ trợ phòng trị bệnh mạch vành, làm thuốc bổ, kích thích tiêu hóa, phục hồi sức khoẻ khi đau yếu hay sau khi sinh đẻ. Đến nay, đã có một số sản phẩm chức năng sử dụng đỏ ngọn làm thành phần thảo dược chính. Vương Tâm Thống (có chứa đỏ ngọn, bồ hoàng, đan sâm) sử dụng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành. Trà thảo dược Tanaka (thành phần chính là đỏ ngọn) với công dụng chống oxi hóa, hạn chế sự lão hóa, giúp tăng trí nhớ và kéo dài tuổi thọ; làm giảm mỡ máu, nhất là giảm cholesterol toàn phần, ngăn ngừa xơ vữa động mạch; cải thiện tuần hoàn máu não, tốt cho người thiểu năng tuần hoàn mãu não; điều hòa huyết áp, tăng cường chức năng thành mạch; cải thiện giấc ngủ ngon, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng trí nhớ, tăng khả năng làm việc; có tác dụng tốt cho tế bào gan, tăng cường chức năng giải độc của gan. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học cây đỏ ngọn. Do đó, để góp phần làm sáng tỏ tác dụng trong các bài thuốc dân gian, cây đỏ ngọn được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu.

Nguyên vật liệu

Mẫu đỏ ngọn (Cratoxylum prunifolium Kurtz) được thu hái tại Mai Châu, Hòa Bình vào tháng 8 năm 2015.

Phương pháp nghiên cứu

- Phân lập các hợp chất: Dược liệu được chiết bằng methanol và phân đoạn bằng các dung môi có độ phân cực tăng dần, sau đó sử dụng sắc ký cột để phân lập các hợp chất.

- Xác định cấu trúc hoá học các hợp chất: ESI-MS, 1H-NMR, 13C-NMR.

Kết quả

Từ phân đoạn ethyl acetat của phần trên mặt đất cây đỏ ngọn Cratoxylum prunifolium đã phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của 3 xanthon và 1 flavon là 1,3,5,6-tetrahydroxyxanthon (1), caloxanthon E (2), montixanthon (3), và hyperin (4). Đây là lần đầu tiên hợp chất 23 được phân lập từ chi Cratoxylum; và lần đầu tiên hợp chất 1 được phân lập từ loài C. prunifolium. Việc phân lập được các hợp chất khung xanthon đã phần nào chứng minh được hoạt tính của cây đỏ ngọn thu tại Việt Nam.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-06-19
Chuyên mục
BÀI BÁO