Hai hợp chất phenolic glycosid phân lập từ phần trên mặt đất cây tiên hạc thảo (Agrimonia pilosa Ledeb. var. pilosa)

  • Nguyễn Văn Lĩnh
  • Dương Thị Hải Yến
  • Hoàng Lê Tuấn Anh
  • Vũ Mạnh Hùng
  • Phạm Thanh Kỳ

Tóm tắt

Tiên hạc thảo còn gọi là long nha thảo (Agrimonia pilosa Ledeb. var. pilosa), theo Y học cổ truyền cây có vị đắng, chát, tính bình, có tác dụng thu liễm chỉ huyết, chỉ lỵ, giải độc. Thường được dùng trị khái huyết, thổ huyết, băng huyết, đại tiện ra máu, sốt rét, lỵ, tràng nhạc, lao lực, ung thũng. Theo kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, dịch chiết và một số chất sạch phân lập từ cây tiên hạc thảo có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ gan, kháng virus, chống khối u. Đã công bố kết quả nghiên cứu về độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của dịch chiết tiên hạc thảo. Bài báo này trình bày kết quả phân lập và xác định cấu trúc hóa học 2 phenolic glycosid từ phần trên mặt đất cây tiên hạc thảo.

Nguyên liệu

Phần trên mặt đất cây tiên hạc thảo được thu tại Trùng Khánh, Cao Bằng vào tháng 8 năm 2013.

Phương pháp nghiên cứu

Chiết xuất các hợp chất từ dược liệu bằng phương pháp chiết siêu âm với methanol và chiết các phân lớp với dung môi có độ phân cực tăng dần là diclometan và ethyl acetat. Phân lập các chất bằng sắc ký cột. Cấu trúc các chất sạch được xác định bằng phương pháp phổ ESI-MS, phổ NMR 1 chiều và 2 chiều  (1D,2D-NMR), đối chiếu với các tài liệu đã công bố.

Kết quả

Từ dịch chiết methanol phần trên mặt đất cây tiên hạc thảo (Agrimonia pilosa Ledeb. var. pilosa) thu hái ở Cao Bằng đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 2 hợp chất phenolic glycosid là vanillolosid (1) và vanillic acid 4-O-β-D-glucopyranosid (2). Đây là 2 hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập được từ cây tiên hạc thảo.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-09-26
Chuyên mục
BÀI BÁO