Nghiên cứu hệ vi nấm trên vị thuốc kha tử (Fructus Terminaliae) đang lưu hành ở một số hiệu thuốc Đông dược trên địa bàn Hà Nội

  • Trần Trịnh Công
  • Đàm Thu Hiền

Tóm tắt

Dược thảo (nhất là dạng quả, hạt) thường nhạy cảm với nấm mốc và nhiễm mycotoxin, làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc, đồng thời gây nguy hại cho người sử dụng. Kha tử (Fructus Terminaliae) là một vị thuốc thường được sử dụng trong Đông y để chữa ho mất tiếng, di tinh, đại tiện lỏng dài ngày, kiết lỵ kinh niên, mồ hôi trộm, di tinh... Cho đến nay, đã có một số thông báo quốc tế về mức độ nhiễm nấm mốc và độc tố trên vị thuốc này, nhưng chưa có thông báo nào của các tạp chí trong nước về mức độ nhiễm nấm mốc và độc tố. Để góp phần đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người sử dụng thảo dược, đề tài đã được thực hiện với mục tiêu phân lập và phân loại các chủng nấm nhiễm trên một số mẫu của vị thuốc kha tử.

Đối tượng nghiên cứu

10 mẫu kha tử thu thập từ một số hiệu thuốc Đông dược ở phố Lãn Ông, Hà Nội từ tháng 9 đến tháng 12 của năm 2016.

Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp xác định hàm ẩm dược liệu: Phụ lục 9.6, DĐVN IV.

- Phương pháp phân lập nấm mốc: Phương pháp đặt trực tiếp trên môi trường PDA và DGM.

- Phương pháp phân loại nấm: Theo các khoá phân loại.

- Đánh giá mức độ nhiễm nấm: Mức độ nhiễm các loài (hoặc chi) được tính theo 2 chỉ số: FQ và RD.

Kết quả

Qua nghiên cứu mức độ nhiễm nấm từ 10 mẫu vị thuốc kha tử (được thu thập từ một số hiệu thuốc Đông dược trên địa bàn Hà Nội) đã phân lập được 8 loài thuộc 4 chi nấm: Aspergillus, Penicillium, Rhizopus và Absidia. Trong đó đáng chú ý là các loài Aspergillus niger, A. fumigatus A. flavus. Với mức độ lây nhiễm các loài A. niger (FQ = 100, RD = 57,66%) và A. flavus (FQ = 60 và RD = 9,68%), thảo dược này đã tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm các nhóm độc tố ochratoxin và aflatoxin. Do vậy, nguồn nguyên liệu này cần được thu hoạch, làm khô và bảo quản hợp lý để đảm bảo chất lượng thuốc và an toàn cho người sử dụng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-09-26
Chuyên mục
BÀI BÁO