Tác dụng quét gốc tự do DPPH và ức chế AchE của các phân đoạn từ rễ đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) ở Việt Nam

  • Nguyễn Thị Kim Thu
  • Đặng Kim Thu
  • Bùi Thanh Tùng

Tóm tắt


Đan sâm (Salvia miltiorrhiza) hay còn được gọi là huyết sâm, xích sâm là cây thân cỏ, sống lâu năm, được phân bố rộng rãi ở miền Bắc Trung Quốc và Nhật Bản. Trong y học cổ truyền, rễ đan sâm được sử dụng để điều trị các bệnh như mất ngủ, suy nhược thần kinh, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, thiếu máu... Các nghiên cứu y học hiện đại cho thấy đan sâm có tác dụng ức chế sự phát triển của xơ gan, bảo vệ các mô thận khỏi tổn thương do bệnh đái tháo đường gây ra, chống viêm và tổn thương tụy cấp, bảo vệ tim mạch và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư ở người. Các hoạt chất có hoạt tính sinh học quan trọng của đan sâm bao gồm các hợp chất diterpen thuộc nhóm "tanshinones", trong đó các hợp chất quan trọng là tanshinon IIA, cryptotanshinon và acid salvianolic A. Các hợp chất này gần đây được chứng minh có tác dụng bảo vệ thần kinh, đặc biệt là điều trị bệnh Alzheimer, như chống kết tập các mảng protein amyloid-β, ức chế AChE, chống viêm, chống oxy hóa. Ở Việt Nam, các nghiên cứu về tác dụng bảo vệ thần kinh của cây đan sâm vẫn chưa được biết rõ. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá tác dụng chống oxy hóa và ức chế enzym AChE của dịch chiết toàn phần và các phân đoạn dịch chiết từ rễ đan sâm trồng ở Việt Nam.

Nguyên liệu

Rễ đan sâm được thu hái ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vào tháng 5 năm 2014. Phương pháp nghiên cứu- Tác dụng chống oxy hóa in vitro theo phương pháp DPPH: Theo phương pháp của Kedare và CS. có thay đổi.- Tác dụng ức chế AchE: Theo phương pháp của Ellman và CS. có thay đổi.

Kết quả

Nghiên cứu đã đánh giá được tác dụng chống oxy hóa in vitro trên mô hình quét gốc tự do DPPH cho thấy dịch chiết toàn phần từ rễ cây đan sâm thu hái ở Việt Nam thể hiện hoạt tính chống oxy hóa với giá trị IC50 là 69,86 µg/mL. Trong các phân đoạn dịch chiết của đan sâm, phân đoạn EtOAc và phân đoạn n-BuOH đều thể hiện tác dụng chống oxy hóa trên mô hình quét các gốc tự do DPPH mạnh với IC50 lần lượtlà 12,19và 17,87 µg/mL. Bên cạnh đó, dịch chiết toàn phần đan sâm còn thể hiện hoạt tính ức chế enzym AChE với IC50 là 77,21 µg/mL. Trong các phân đoạn dịch chiết của đan sâm, phân đoạn EtOAc và phân đoạn n-BuOH cũng thể hiện tác dụng mạnh nhất với IC50 lần lượt là 15,07 và 25,45 µg/mL. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng của đan sâm trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer.


điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-09-26
Chuyên mục
BÀI BÁO