Khảo sát tình hình tiêu thụ kháng sinh carbapenem tại Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016

  • Nguyễn Thu Minh
  • Nguyễn Thị Tuyến
  • Trần Nhân Thắng
  • Dương Đức Hùng
  • Cẩn Tuyết Nga
  • Nguyễn Tiến Phương
  • Nguyễn Mai Hoa
  • Nguyễn Hoàng Anh

Tóm tắt


Carbapenem là nhóm kháng sinh có phổ kháng khuẩn rất rộng nên chỉ được ưu tiên sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng khi các kháng sinh khác không có hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ vi khuẩn kháng carbapenem tại Việt Nam hiện nay đang tăng nhanh và ở mức đáng báo động. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân có bệnh cảnh nặng và phức tạp từ các tuyến dưới chuyển lên. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát lượng tiêu thụ kháng sinh carbapenem tại Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016; từ đó, định hướng cho chương trình quản lý kháng sinh trong Bệnh viện.

Đối tượng

Dữ liệu thống kê về số ngày nằm viện của bệnh nhân nội trú (lưu tại Phòng Kế hoạch Tổng hợp) và số liệu sử dụng kháng sinh carbapenem của các khoa lâm sàng, Trung tâm hoặc Viện trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai (lưu tại Khoa Dược) được truy xuất theo từng tháng từ năm 2012 đến năm 2016 để khảo sát đặc điểm tiêu thụ kháng sinh carbapenem theo thời gian.

Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu hồi cứu kết hợp phân tích định lượng theo chỉ số DDD (defined daily doses)/100 ngày nằm viện theo từng tháng.

- Xử lý kết quả: Dùng phần mềm R3.2.2 và Microsolf Excel 2010. Sử dụng kiểm định Mann - Kendall để phân tích xu hướng tiêu thụ kháng sinh carbapenem.

Kết quả

Nghiên cứu đã cho thấy hình ảnh tổng thể về tình hình tiêu thụ kháng sinh carbapenem tại Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn 2012 - 2016, với mức liều DDD/100 ngày nằm viện ở mức rất cao (trên 1000 liều) và tăng dần theo thời gian. Khoa ICU, Trung tâm Hô hấp và Khoa Truyền nhiễm là ba đơn vị có lượng tiêu thụ carbapenem lớn nhất trong toàn Bệnh viện, trong đó chỉ riêng Khoa ICU đã có tổng DDD/100 ngày nằm viện của kháng sinh carbapenem gần bằng 1/3 tổng lượng sử dụng nhóm thuốc này của toàn Bệnh viện. Về cơ cấu, meropenem và ertapenem có xu hướng tăng lên trong khi việc sử dụng imipenem lại khá ổn định trong thời gian khảo sát. Nghiên cứu là cơ sở để triển khai các nghiên cứu đánh giá sử dụng thuốc cũng như chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc kháng sinh.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-09-26
Chuyên mục
BÀI BÁO