Xây dựng phương pháp định lượng acid shikimic trong đại hồi bằng sắc ký lớp mỏng kết hợp đo mật độ quang

  • Trần Trọng Biên
  • Ngô Quang Trung
  • Nguyễn Văn Hân

Tóm tắt

Quả đại hồi (Illicium verum Hook.f.) đã được đưa vào Dược điển Việt Nam IV, tuy nhiên trong chuyên luận mới chỉ quy định hàm lượng tinh dầu mà chưa đề cập tới hàm lượng acid shikimic (AS).Để định lượng AS trong đại hồi, hầu hết các tác giả sử dụng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), có tác giả sử dụng phương pháp sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao (HPTLC) với thuốc thử vanillin/acid sulphuric.Phương pháp HPLC cho kết quả có độ chính xác cao, tuy nhiên đòi hỏi kỹ thuật cao và chi phí lớn. Phương pháp HPTLC với thuốc thử vanillin/H2SO4 cần thiết phải sấy bản mỏng ở 105oC do đó tốn thời gian, dễ gây sai số. Để đáp ứng nhu cầu kiểm tra chất lượng dược liệu đại hồi, đặc biệt về chỉ tiêu hàm lượng AS, bài báo này xây dựng một phương pháp đơn giản, nhanh chóng, chính xác định lượng AS bằng sắc ký lớp mỏng kết hợp đo mật độ quang (TLC-Scanning) đồng thời áp dụng để kiểm tra một số mẫu đại hồi thu thập được.

Nguyên liệu

Quả đại hồi thu mua ở tỉnh Lạng Sơn tháng 01 năm 2012. Chất chuẩn:Acid shikimic 99,8%.

Phương pháp nghiên cứu

- Chuẩn bị mẫu.

- Khảo sát và lựa chọn điều kiện TLC-Scanning.

- Thẩm định phương pháp định lượng: Độ đặc hiệu, độ thích hợp hệ thống, khoảng tuyến tính, độ đúng, độ lặp lại, giới hạn phát hiện (LOD) và giới hạn định lượng (LOQ).

Kết quả

Phương pháp sắc ký lớp mỏng kết hợp đo mật độ quang (TLC-Scanning) định lượng acid shikimic trong đại hồi đã được xây dựng và thẩm định. Kết quả cho thấy phương pháp có tính đặc hiệu với acid shikimic, độ lặp lại tốt (RSD = 3,91%), tuyến tính trong khoảng 5-25 µg (r2 = 0,9933), độ thu hồi cao (97,02 - 102,82%), độ nhạy cao (LOD = 1,75 µg, LOQ = 5,00 µg) có thể áp dụng để kiểm tra chất lượng dược liệu đại hồi thay thể cho phương pháp HPLC.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-10-11
Chuyên mục
BÀI BÁO