Nghiên cứu đặc điểm vi học và thành phần hóa học của thân rễ cây sì to (Valeriana jatamasi Jones)

  • Lê Việt Dũng
  • Phạm Thanh Huyền

Tóm tắt

            Chi Valeriana L. ở Việt Nam có hai loài phổ biến là V. hardwickii Wall. được gọi là "nữ lang" và loài V. jatamasi Jones gọi là "sì to" (theo tiếng H'Mông). Cả hai đều được dùng làm thuốc an thần trong trường hợp trẻ em bị sốt cao, quấy khóc, chữa đau họng, chống co thắt, chữa bệnh tim và dùng cho phụ nữ sau khi sinh. Loài V. jatamansi Jones đã từng được các nhà khoa học Ấn Độ nghiên cứu phân tích thành phần hóa học tinh dầu bao gồm các hợp chất a và b-pinen, camphen, borneol, eugenol, b-bisabolen, acid valerenic... Hàm lượng tinh dầu trong thân rễ thay đổi từ 0,5 đến 2%. Loài này cũng đã được Viện Dược liệu quan tâm nghiên cứu từ những năm 2001 về trồng trọt, hoá học, tác dụng sinh học, chiết xuất và bào chế chế phẩm nang cứng Valerian làm thuốc hỗ trợ điều trị an thần. Để góp phần xây dựng tiêu chuẩn của dược liệu sì to ở Việt Nam làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nghiên cứu này sẽ trình bày các đặc điểm vi học và kết quả phân tích thành phần hoá học tinh dầu trong thân rễ.

Nguyên liệu

Thân rễ cây sì to (1 năm tuổi) được trồng tại Sapa (Lào Cai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thu hoạch lần lượt vào tháng 10 năm 2006 và 2007.

 Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu các đặc điểm vi học: Vi phẫu, soi bột, mô tả cấu tạo giải phẫu và bột dược liệu qua kính hiển vi và chụp ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số.

- Nghiên cứu về hóa học: Định tính sơ bộ bằng phản ứng hoá học, định lượng tinh dầu bằng phương pháp cất kéo hơi nước, phân tích định tính, định lượng thành phần tinh dầu bằng phương pháp GC/MS.

Kết quả

            Thân rễ cây sì to (Valeriana jatamasi Jones) trồng 1 năm tuổi tại Sapa và Tam Đảo được phân tích về đặc điểm hình thái, vi học, thành phần hoá học sơ bộ, hàm lượng và thành phần tinh dầu. Đặc trưng chính của dược liệu là mùi tinh dầu. Hàm lượng tinh dầu trong thân rễ cây sì to thu hái ở Tam Đảo và Sapa tương ứng là là 0,51% ± 0,06 và 0,58% ± 0,04. Kết quả phân tích tinh dầu thân rễ sì to thu bằng phương pháp GC/MS cho thấy thành phần chính của tinh dầu là sesquiterpen, bao gồm a-fenchyl acetat (mẫu ở hai địa điểm nghiên cứu Tam Đảo và Sapa tương ứng là 20,53% và 24,23%); patchouli alcohol (10,46 và 14,09%); acid iso-valeric (14,24 và 13,82%). Các chất xác định được chiếm 97,57% và 94,06%. Ngoài ra còn có một số thành phần có hàm lượng khá cao như: a-patchoulen (6,74% và 8,67%); b-elemen (3,49 và 4,22%); b-bisabolen (5,50 và 3,92%)...

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-04-10
Chuyên mục
BÀI BÁO