Khảo sát khả năng ức chế enzym α-amylase in vitro của cao chiết lá các cây trâm bầu, mật gấu và ngọc nữ biển ở miền Nam Việt Nam

  • Lê Việt Dũng
  • Lê Văn Minh

Tóm tắt

            Tân dược vẫn là lựa chọn hàng đầu trong điều trị đái tháo đường nhưng việc sử dụng lâu dài dẫn đến những tác dụng không mong muốn. Gần đây, một số thảo dược đã được chứng minh liên quan đến việc làm chậm sự hấp thu glucose. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy cây trâm bầu (Combretum quadrangulare Kurz.), cây mật gấu (Vernonia amygdalina Del.), cây ngọc nữ biển (Clerodendrum inerme (L.) Gaertn.) có tác dụng trên bệnh đái tháo đường. Vì vậy, tiến hành đánh giá khả năng ức chế enzym biến dưỡng carbohydrat α-amylase của các cao chiết từ lá cây trâm bầu, mật gấu và ngọc nữ biển thu hái tại phía Nam.

Nguyên liệu

Lá cây trâm bầu, mật gấu tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, lá cây ngọc nữ biển tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được thu hái vào tháng 11 năm 2016.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết xuất cao chiết.

- Đánh giá tác động ức chế enzym α-amylase in vitro: Theo phương pháp của Thirumal và CS..

- Phương pháp đánh giá kết quả: Sử dụng phần mềm MS Excel 2010, xử lý thống kê dựa vào phép kiểm T-test.

Kết quả

Kết quả nghiên cứu các cao (cao toàn phần, cao n-hexan, cao chloroform, cao ethyl acetat, cao n-buthanol và cao nước) chiết xuất từ lá cây trâm bầu, mật gấu và ngọc nữ biển đều thể hiện hoạt tính ức chế in vitro enzym α-amylase. Trong đó, các cao chiết từ mật gấu và ngọc nữ biển cho hoạt tính ức chế enzym α-amylase tốt hơn các cao chiết từ lá cây trâm bầu và đều tốt hơn đối chứng dương là acarbose. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu khoa học có ích cho việc tìm kiếm, sàng lọc các dược liệu cũng như các hợp chất thiên nhiên có tác dụng hỗ trợ điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu tiếp tục sâu hơn về cơ chế ức chế enzym và thành phần hóa học chính của dược liệu để góp phần làm sáng tỏ hoạt tính này.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-04-10
Chuyên mục
BÀI BÁO