Phân tích vết piperacillin trong môi trường sản xuất của nhà máy sản xuất kháng sinh piperacillin

  • Đặng Thị Chung Thủy
  • Trịnh Hoàng Dương
  • Hà Diệu Ly
  • Nguyễn Đức Tuấn

Tóm tắt

Kiểm soát kháng sinh thải ra môi trường qua nguồn nước thải, không khí và nguy cơ nhiễm chéo cho sản phẩm là vấn đề đang được các công ty dược phẩm sản xuất kháng sinh nhóm β-lactam quan tâm vì đây là nhóm kháng sinh gây nguy cơ dị ứng cao, sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong. Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, tính đến tháng 3 năm 2016, cả nước chỉ có ba nhà máy sản xuất kháng sinh piperacillin, các nhà máy này đều có dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, có quy trình vệ sinh khử nhiễm thiết bị sản xuất, nhà xưởng, có hệ thống xử lý khí thải và nước thải. Nhằm giúp xí nghiệp dược phẩm kiểm soát tốt hơn dư lượng kháng sinh piperacillin, đề tài đã được thực hiện với mục tiêu chuẩn hóa quy trình lấy mẫu và bảo quản mẫu lấy từ thiết bị sản xuất, nhà xưởng và nước thải, phân tích vết piperacillin trên thiết bị sản xuất, nước thải của nhà máy, từ đó đưa ra mức giới hạn cảnh báo nồng độ tối đa piperacillin trong môi trường.

Nguyên liệu

            - Piperacillin trên bề mặt mẫu thử giả lập từ mô hình mô phỏng bề mặt thiết bị và nhà xưởng, trên mẫu phết và trong mẫu nước thải của xí nghiệp.

- Chất chuẩn, hóa chất và dung môi: Chất chuẩn piperacillin natri, chất chuẩn ampicillin và các hóa chất khác đạt tiêu chuẩn phân tích.

Phương pháp nghiên cứu

Áp dụng qui trình HPLC định lượng piperacillin trong chế phẩm để xác định hiệu suất thu hồi piperacillin tại LOQ trên mẫu phết giả lập với một số dung môi hòa tan/chiết piperacillin; So sánh hiệu suất thu hồi để chọn dung môi hòa tan/chiết thích hợp; Thẩm định và ứng dụng qui trình định lượng piperacillin trong mẫu phết thiết bị sản xuất, nhà xưởng bằng phương pháp HPLC-UV-Vis. Thẩm định và ứng dụng qui trình định lượng piperacillin trong mẫu nước thải bằng phương pháp HPLC-UV-Vis và LC/MS-MS; Khảo sát độ ổn định của piperacillin trong dịch chiết và trong nước thải. Xây dựng quy trình lấy mẫu và bảo quản mẫu dựa theo tài liệu tham khảo các yêu cầu kỹ thuật của EU, PIC/S, GMP WHO và cơ sở vật chất của nhà máy.

Kết quả

Đề tài đã đưa ra các khuyến cáo về dung môi chiết piperacillin, điều kiện bảo quản mẫu, thời gian phân tích mẫu phù hợp và mức giới hạn cho phép piperacillin. Đề tài đã thành công trong việc xây dựng qui trình lấy mẫu, bảo quản mẫu, xử lý mẫu cũng như áp dụng qui trình LC/MS-MS để kiểm soát dư lượng piperacillin trên bề mặt thiết bị, nhà xưởng và nước thải.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-04-19
Chuyên mục
BÀI BÁO