Sàng lọc in vitro, in vivo tác dụng hạ acid uric máu của một số dược liệu thu hái tại các tỉnh phía Nam Việt Nam

  • Trịnh Túy An
  • Huỳnh Ngọc Thụy

Tóm tắt

Năm 2012, Việt Nam có hơn 22 ngàn người mắc bệnh gút, chiếm 0,3% dân số trưởng thành. Một trong những phương pháp điều trị gút là khống chế lượng acid uric máu, sản phẩm từ chuỗi chuyển hóa các hợp chất nhân purin, bằng con đường ức chế xanthin oxidase. Trên thị trường đã lưu hành nhiều loại thuốc tác dụng theo cơ chế trên, điển hình là allopurinol, nhưng lại gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, từ đó thúc đẩy việc tìm kiếm những dược liệu có khả năng điều hoà lượng acid uric máu nhằm hỗ trợ điều trị gút. Những y thư cổ của Việt Nam đã lưu lại nhiều bài thuốc hay trị thống phong từ kinh nghiệm dân gian, có tiềm năng ứng dụng cao trong hỗ trợ điều trị gút. Từ những lý do trên, đề tài được thực hiện với mục tiêu chính là chọn được các cây thuốc, các cao phân đoạn có tác dụng hạ acid uric máu.

Nguyên liệu Nghiên cứu được tiến hành trên nhiều bộ phận dùng khác nhau của 21 mẫu dược liệu thuộc 7 họ thực vật, được thu hái ở các tỉnh phía nam Việt Nam từ tháng 8 - 11 năm 2015. Phương pháp nghiên cứu             Phương pháp nghiên cứu in vitro:

            - Chuẩn bị mẫu: Dược liệu được xay nhỏ thành bột, rây qua rây 2 mm. 20 g dược liệu được chiết kiệt bằng phương pháp đun hồi lưu ở 95 oC lần lượt với ba dung môi có độ phân cực tăng dần: chloroform, ethanol và nước.

            - Đánh giá tác động ức chế xanthin oxidase: Tiến hành trên đĩa 96 giếng theo quy trình của Kai-Wei Lin và CS. (2009).

- Phương pháp phân tích số liệu: Thử nghiệm được lặp lại ít nhất 3 lần lấy
giá trị trung bình và xác định độ lệch chuẩn.

Phương pháp nghiên cứu in vivo:

- Khảo sát liều dùng cao nhất có thể cho chuột uống được : Lô chuột thử nghiệm gồm 8 con (4 chuột đực và 4 chuột cái) được cho uống cao chiết liều duy nhất qua được kim sau khi nhịn đói 18 giờ trước đó.

            - Đánh giá tác dụng hạ acid uric máu: Dựa trên nghiên cứu của Shi-Yuan Sheu và CS. (2016).

            - Phương pháp phân tích thống kê: Dựa trên phương trình hồi quy từ đường tuyến tính giữa mật độ quang và nồng độ của acid uric chuẩn để xác định nồng độ acid uric máu của chuột ở các lô thử.

Kết quả

Kết quả sàng lọc in vitro tác dụng ức chế xanthine oxidase cho thấy cao cồn thân gắm lá rộng (G. latifolium) cho tác dụng ức chế nổi trội trên 165 mẫu được khảo sát với IC50 là 190,54 mg/ml. Đã xác định được mẫu cao phân đoạn chloroform từ cao cồn toàn phần thân gắm lá rộng cho tác dụng ức chế xanthin oxidase mạnh nhất (IC50 = 150,37 mg/ml) và được chọn để thử nghiệm in vivo tác dụng hạ acid uric máu.

Kết quả thử nghiệm in vivo cho thấy ở cả ba liều 150, 100 và 50 mg/kg, cao phân đoạn chloroform thân gắm lá rộng đều cho tác dụng cấp hạ acid uric máu. Liều 150 mg/kg cho tác dụng hạ acid uric máu là 50,28% so với lô chứng bệnh, gần tương đương với tác dụng hạ acid uric máu của allopurinol ở lô đối chiếu là 55,03%. Ngoài ra, ở liều 150 và 100 mg/kg, cao phân đoạn chloroform thân gắm lá rộng có tác dụng hạ acid uric máu khi điều trị theo phác đồ dự phòng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-04-19
Chuyên mục
BÀI BÁO