Phân tích tình hình sử dụng kháng sinh trên bệnh nhân thở máy

  • Nguyễn Huy Khiêm
  • Tạ Mạnh Cường
  • Phạm Thị Thúy Vân

Tóm tắt

Thông khí nhân tạo (thở máy) là một kĩ thuật hồi sức cấp cứu thiết yếu dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân (BN) suy giảm nghiêm trọng chức năng hô hấp. Do quá trình thở máy xâm nhập yêu cầu các thủ thuật xâm lấn (đặt nội khí quản, mở khí quản) nên người bệnh khi được thực hiện các kĩ thuật can thiệp này có nguy cơ gặp một số biến cố bất lợi, trong đó đáng chú ý nhất là nhiễm khuẩn hô hấp. Nhu cầu sử dụng kháng sinh trên BN thở máy là rất lớn: để điều trị nhiễm khuẩn sẵn có trên BN cần thở máy, để điều trị các biến chứng nhiễm khuẩn mới liên quan đến thở máy (chủ yếu là viêm phổi liên quan đến thở máy-VPTM), cũng như sử dụng kháng sinh với mục đích dự phòng nhiễm khuẩn. Hiện nay vấn đề sử dụng kháng sinh trên BN thở máy hiện còn chưa được đề cập nhiều trong các nghiên cứu tại Việt Nam, trong khi đề kháng kháng sinh đã và đang trở thành nguy cơ thường trực ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cộng đồng, và một trong những yếu tố thúc đẩy nguy cơ trên chính là việc sử dụng quá mức và bất hợp lý kháng sinh.

Đã thực hiện một nghiên cứu phân tích về tình hình sử dụng kháng sinh trên BN thở máy và bệnh nhân VPTM với mục đích góp phần nâng cao công tác lựa chọn và chỉ định kháng sinh trên nhóm BN này thêm hợp lý, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn nói chung và các biến chứng nhiễm khuẩn liên quan đến thở máy nói riêng.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành tại Đơn vị Cấp cứu và Hồi sức tích cực Tim mạch (C1) - Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam từ tháng 10/2015 đến tháng 1/2016, sử dụng phương pháp nghiên cứu quan sát mô tả tiến cứu. Đối tượng nghiên cứu là toàn bộ BN có thở máy xâm nhập trong thời gian điều trị tại khoa, và  loại trừ các BN nhỏ hơn 18 tuổi; nhiễm HIV; được điều trị hóa trị liệu độc tế bào dẫn đến giảm bạch cầu trung tính; được chuyển đến từ khoa điều trị khác khi đang thở máy.

Kết quả

Sử dụng kháng sinh đường toàn thân với phổ tác dụng rất rộng (tương tự phác đồ trên BN có chẩn đoán nhiễm khuẩn) với mục đích dự phòng sau đặt nội khí quản trên những BN thở máy xâm nhập là một thực hành điều trị phổ biến tại khoa điều trị dù không được khuyến cáo trong các hướng dẫn điều trị hiện hành. Thực hành này chưa cho thấy hiệu quả làm giảm tỉ lệ xuất hiện biến chứng VPTM trên các BN không có nhiễm khuẩn khi nhập khoa. Tác nhân phân lập trên bệnh nhân VPTM đều là vi khuẩn Gram (-) đa kháng, và đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thất bại điều trị cao trong nghiên cứu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-04-19
Chuyên mục
BÀI BÁO