Phân lập hai hợp chất oligomer resveratrol từ rễ cây lạc (Arachis hypogaea L., họ Đậu – Fabaceae)

  • Phạm Thanh Mạnh
  • Nguyễn Văn Liệu
  • Đỗ Văn Bình
  • Nguyễn Văn Thư
  • Hoàng Việt Dũng

Tóm tắt

Cây lạc (Arachis hypogaea L.) là loại nông sản rất phổ biến ở Việt Nam và bộ phận dùng chủ yếu là quả. Rễ cây lạc vẫn được xem như là phế phẩm sau mỗi mùa thu hoạch loại cây nông nghiệp này. Tuy nhiên, đã có một số nghiên cứu về thành phần hóa học của rễ cây lạc và bước đầu cho thấy trong rễ cây lạc có một hoạt chất có giá trị là resveratrol. Đây là một hợp chất thuộc nhóm stilben và có nhiều tác dụng sinh học như: bảo vệ tim mạch, chống viêm, điều chỉnh rối loạn lipid máu... Những kết quả nghiên cứu bước đầu này khiến cho rễ cây lạc trở thành một đối tượng nghiên cứu tiềm năng cả về thành phần hóa học và tác dụng sinh học. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu góp phần cung cấp thêm những thông tin về thành phần hóa học của rễ cây lạc vốn hiện đang còn khá hạn chế.

Nguyên liệu

Mẫu cây lạc được thu hái tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định vào tháng 10/2016. Phương pháp chiết xuất và phân lập

            Bột rễ lạc đã nghiền mịn (3 kg) được cho vào bình ngấm kiệt và làm ẩm bằng methanol, đậy kín, để yên cho đến khi toàn bộ lượng bột thấm ẩm dung môi và trương nở hoàn toàn. Sau đó ngâm dược liệu với 8 lít methanol và để ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ. Tiến hành rút dịch chiết với tốc độ khoảng 3 ml/phút. Rút được khoảng 20 lít dịch chiết thì dừng lại. Dịch chiết thu được đem thu hồi dung môi dưới áp suất giảm thu được cắn chiết methanol với khối lượng 313 g. Phân tán 313 g cắn toàn phần; Phân đoạn ethyl acetat AHE (21 g); Phân đoạn AHE7 (3,22 g); Phân đoạn AHE7.4 (523 mg); Phân đoạn AHE7.12 (188 mg).

Kết quả

Đã phân lập được 2 hợp chất oligomer resveratrol từ phân đoạn cắn EtOAc của rễ cây lạc dựa vào phương pháp sắc ký cột, phương pháp sắc ký lớp mỏng và phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao điều chế. Cấu trúc hóa học của 2 hợp chất phân lập được đã được nhận dạng dựa vào kết quả đo các loại phổ: MS, 1H, 13C, HMBC, HSQC và ROESY kết hợp so sánh với dữ liệu đã công bố về phổ của hai hợp chất này. Hai hợp chất phân lập được có tên là scirpusin A và leachianol F. Đây là lần đầu tiên phân lập được 2 hợp chất này từ rễ cây lạc.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-04-19
Chuyên mục
BÀI BÁO