Nghiên cứu đề xuất mô hình liên kết phát triển actisô trong cộng đồng dân tộc thiểu số thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

  • Nguyễn Huy Văn
  • Vũ Hương Thủy
  • Phạm Thanh Kỳ
  • Nguyễn Sơn Nam

Tóm tắt

Sa Pa là một trong những địa phương có tài nguyên cây thuốc phong phú và độc đáo, actisô là một trong những cây chủ lực. Actisô được người dân trồng trong vùng để làm thực phẩm (lá bắc và đế hoa) và làm thuốc (lá và hoa). Phát triển dược liệu actisô giữ một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Sapa. Mặt khác, trước yêu cầu hội nhập và nâng cao chất lượng dược liệu, việc khai thác và trồng trọt cây thuốc hiện nay cần tiếp cận với các tiêu chí Quốc gia và Quốc tế như VietGAP; GACP-WHO; FairWild. Theo đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa "các nhà" trong sản xuất dược liệu actisô trên địa bàn huyện Sa Pa - Lào Cai. Đã có những đề tài, dự án triển khai nghiên cứu, phát triển kinh tế nông hộ hoặc đề xuất giải pháp phát triển bền vững dược liệu liên quan đến actisô tại Sa Pa; tuy nhiên các mối liên kết hoặc hợp tác phát triển actisô chưa được thực sự nghiên cứu. Xuất phát từ nhu cầu đó, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá thực trạng tình hình trồng actisô trên địa bàn hai xã Sa Pả và Tả Phìn huyện Sa Pa, từ đó đề xuất mô hình liên kết phát triển bền vững actisô trong cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Sa Pa.

            Đối tượng:

220 hộ dân và 10 cán bộ, chuyên gia trong cộng đồng hai xã Sa Pả, Tả Phìn và thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và tại Công ty Cổ phần Traphaco.

Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn và phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia, thu thập thông tin thứ cấp, phỏng vấn các hộ dân và doanh nghiệp. Phỏng vấn sâu các chuyên gia; phân tích SWOT; kiểm nghiệm theo Dược điển Việt Nam IV.

Các số liệu được xử lý bằng phần mềm Stata 13.0 và Excel.

            Kết luận

Tình hình phát triển actisô trong cộng đồng được khảo sát thuộc xã Sa Pả và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông,...) có liên quan đến nhau theo nhiều chiều từ quy hoạch đến sản xuất. Nghiên cứu đã đánh giá thực trạng và đề xuất mô hình phát triển dược liệu actisô dựa trên việc xây dựng và triển khai các dự án liên kết. Để phát triển sản xuất bền vững dược liệu actisô tại hai xã Sa Pả và Tả Phìn nói riêng và trong cộng đồng dân tộc thiểu số huyện Sa Pa nói chung, việc áp dụng một mô hình như đã đề xuất là có khả thi và tiềm tàng những kết quả giá trị về hiệu quả kinh tế thực tiễn và lý luận. Đánh giá những tác động của mô hình sẽ là công việc cần được nghiên cứu trong thời gian tới.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-06-19
Chuyên mục
BÀI BÁO