Đặc điểm vi học và thành phần hóa học của lá ngọc nữ biển (Clerodendrum inerme (L.) Gaertn.)thu hái tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)

  • Lý Hải Triều
  • Bùi Minh Quang
  • Lê Đức Thanh
  • Nguyễn Thị Thu Hương
  • Hà Văn Long
  • Lê Văn Minh

Tóm tắt

Loài ngọc nữ biển (Clerodendrum inerme (L.)Gaertn.) được dân gian dùng trong chữa các bệnh liên quan đến phong thấp, xương khớp, đau nhức, các bệnh ngoài da... Ở nước ta hiện nay, các nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của lá ngọc nữ biển còn rất hạn chế. Những khảo sát ban đầu của nhóm nghiên cứu cho thấy cao chiết từ lá ngọc nữ biển có tác dụng ức chế enzym α-amylase in vitro. Tuy nhiên, chưa có công bố nào khác trong nước liên quan đến loài dược liệu này về đặc điểm vi học lá, cũng như các phân tích định tính và định lượng nhóm hoạt chất trong lá ngọc nữ biển. Vì vậy, việc thực hiện phân tích các chỉ tiêu trên nhằm phục vụ công tác kiểm nghiệm chất lượng dược liệu và mở ra các nghiên cứu tiếp theo về hóa học và tác dụng dược lý của loài ngọc nữ biển là rất cần thiết, từ đó, định hướng phát triển nguồn dược liệu này trong thời gian tới. Bài báo này công bố các kết quả về khảo sát đặc điểm vi học, sơ bộ thành phần hóa thực vật, định tính và định lượng nhóm hợp chất chính trong lá ngọc nữ biển thu hái tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Nguyên liệu

Dược liệu ngọc nữ biển được thu tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào tháng 5 năm 2017.

Phương pháp nghiên cứu

- Sơ bộ thành phần hóa thực vật: Theo phương pháp của Trường Đại học Rumani.

- Phương pháp chiết cao lá ngọc nữ biển: Chiết ngấm kiệt với ethanol 96%, 70% và 45% ở nhiệt độ phòng.

- Phương pháp định lượng polyphenol tổng: Theo phương pháp của Chumark và CS..

- Phương pháp định lượng flavonoid toàn phần: Bằng phương pháp UV-Vis.

Kết quả

Nghiên cứu đã mô tả chi tiết đặc điểm giải phẫu lá và thành phần bột dược liệu lá ngọc nữ biển tại Phú Quốc, Kiên Giang.Lá ngọc nữ biển có sự hiện diện của nhiều nhóm hợp chất, trong đó flavonoid được xác định là nhóm hợp chất chính trong dược liệu này.Kết quả định tính cho thấy dược liệu lá ngọc nữ biển có hispidulin, một flavonoid chính trong lá ngọc nữ biển. Kết quả định lượng cho thấy cao chiết cồn 45% từ lá ngọc nữ biển có hàm lượng polyphenol và flavonoid lần lượt là 120,458 ± 1,100 mg GAE/g và 4,297 ± 0,126 mg HIE/g; cao hơn so với hàm lượng trong cao chiết ethanol 96%, cao ethanol 70% và cao nước.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-06-19
Chuyên mục
BÀI BÁO