Xây dựng phương pháp phân tích một số paraben bị cấm dùng trong mỹ phẩm

  • Võ Trần Ngọc Hùng
  • Nguyễn Thị Việt Ái
  • Lê Thị Hường Hoa
  • Thái Nguyễn Hùng Thu

Tóm tắt

Từ lâu, paraben đã được sử dụng làm chất bảo quản, chủ yếu là trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược phẩm và thực phẩm. Chúng đã từng được coi là một trong những chất bảo quản an toàn. Tuy nhiên, khi liên tục tiếp xúc với nhiều paraben khác nhau ở các nồng độ nhất định, thậm chí ở các nồng độ dưới mức tác dụng có hại, hỗn hợp các chất này cũng có thể gây tác dụng bất lợi tiềm tàng không thể bỏ qua. Danh sách 5 paraben không được dùng trong mỹ phẩm là isopropylparaben (IPP), isobutylparaben (IBP), phenylparaben (PheP), benzylparaben (BzP) và pentylparaben (PeP). Năm 2015, Việt Nam cũng đã cho ngừng lưu hành các sản phẩm mỹ phẩm chứa 5 loại paraben bị cấm trên trong tiến trình xây dựng sự hòa hợp cộng đồng chung, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân trong khu vực. Do vậy, cần có một phương pháp phân tích sử dụng thiết bị phổ biến ở nhiều phòng thí nghiệm để phát hiện các paraben này trong các sản phẩm mỹ phẩm.

Đối tượng

5 paraben trong danh mục các chất không được dùng trong mỹ phẩm bao gồm: IPP, PheP, BzP, IBP, PeP.

Phương pháp nghiên cứu

- Sử dụng 2 mẫu đại diện cho các nhóm sản phẩm: sữa rửa mặt và nước súc miệng để xây dựng và thẩm định phương pháp phân tích với HPLC. Tiến hành thực nghiệm để tìm ra điều kiện sắc kí thích hợp, điều kiện xử lý mẫu. Phương pháp xây dựng được thẩm định các chỉ tiêu: sự phù hợp của hệ thống sắc ký, độ lặp lại, độ tuyến tính và khoảng xác định, độ đúng, giới hạn phát hiện và giới hạn định lượng.

- Xử lý số liệu:Bằng Microsoft Excel.

Kết quả

Đã xây dựng được phương pháp cho phép phân tích các paraben cấm bằng HPLC. Kết quả thẩm định trên 2 nền mẫu là sữa rửa mặt và nước súc miệng cho thấy phương pháp có độ lặp lại cao, độ đúng tốt, khoảng tuyến tính khá rộng và có giới hạn phát hiện với cả 5 paraben bị cấm là IPP, PheP, BzP, IBP và PePđều dưới 0,05 µg/ml. Phương pháp đã được áp dụng để phân tích 10 mẫu mỹ phẩm trên thị trường và chưa có mẫu nào bị phát hiện chứa các paraben bị cấm trên.

Phương pháp HPLC với detector DAD có vai trò sàng lọc hiệu quả, đơn giản và nhanh chóng. Phân tích chất cấm trong mỹ phẩm thật sự không đơn giản. Việc khẳng định chất cấm cần có sự so sánh giữa các phương pháp.Bởi kết quả này liên quan đến pháp lý và có thể phát sinh rất nhiều vấn đề hệ lụy khi kết luận không chính xác.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-06-19
Chuyên mục
BÀI BÁO