Hoạt tính độc tế bào của cao thô chiết bằng ethanol một số loài bọt biển ở vùng đảo Phú Quốc (Kiên Giang)

  • Nguyễn Thị Kim Phụng
  • Nguyễn Viết Khang
  • Tôn Nữ Liên Hương

Tóm tắt

Neopetrosia là một chi được Max Walker de Laubenfels xác định năm 1932. Các chiết xuất thô và các hợp chất được cô lập của chi Neopetrosia thể hiện những hoạt tính như kháng khuẩn, kháng HIV, gây độc tế bào, kháng khối u, chống oxy hóa và kháng viêm. Trong số sáu hợp chất tiêu biểu đã được công bố từ nghiên cứu trên Neopetrosia sp. bao gồm hợp chất renieramycin J có hoạt tính kháng các dòng tế bào ung thư 3Y1, HeLa và P388; hợp chất renieramycin A chống lại bệnh bạch cầu với dòng tế bào HL-60; hợp chất njaoamin G và H gây độc tính với loài artemia; hợp chất neopetrosiamid A và B có khả năng ức chế chống di căn tế bào ung thư.

Hiện nay, ở vùng biển Tây Việt Nam mà đặc biệt ở Phú Quốc nơi tập trung phân bố của một số loài bọt biển vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu thử nghiệm độc tính tế bào ung thư gan (Hep G2) của một số loài bọt biển thu được từ vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nguyên liệu

Bọt biển được thu tại huyện An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang vào tháng 1 năm 2018. Mẫu nghiên cứu được định danh là loài Neopetrosia sp. (SP10); Ircinia sp. (SP05); Hyrtios sp. (SP08).

Phương  pháp nghiên cứu

- Chiết tách.

- Thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư theo phương pháp SRB.

- Xử lý kết quả.

Kết quả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ cao thô chiết bằng ethanol của một số loài bọt biển thu được từ vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang, loài Neopetrosia sp. thể hiện hoạt tính độc tế bào ung thư gan (Hep G2) là mạnh nhất với nồng độ ức chế IC50 là 56,34 μg/mL.Trong các tài liệu tham khảo được thì chưa có công bố về hoạt tính độc tế bào ung thư gan của loài Neopetrosia sp. này.

Kết quả này định hướng cho việc nghiên cứu thành phần hóa học của loài bọt biển Neopetrosia sp.có hoạt tính kháng ung thư gan và các dòng tế bào ung thư khác tiếp theo. Nghiên cứu cũng cho thấy bọt biển ở vùng biển Phú Quốc là nguồn tiềm năng phân lập các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học nhằm phát triển các hợp chất mới làm nguồn dược liệu phòng chống ung thư.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-04-01
Chuyên mục
BÀI BÁO