Phân tích thực trạng kê đơn ceftriaxon trong điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên năm 2016

  • Nguyễn Thị Thanh Hương
  • Đặng Văn Hoằng

Tóm tắt

Sử dụng kháng sinh hợp lý luôn là một thách thức lớn của toàn thế giới. Tại các bệnh viện ở Việt Nam: 67,4 % bệnh nhân nội trú được điều trị bằng kháng sinh và phổ biến nhất là cephalosporin (70,2 %), penicillin (21,6 %), aminoglycosid (18,9 %), sấp sỉ một phần ba số bệnh nhân sử dụng kháng sinh không hợp lý; một số yếu tố liên quan đến tính hợp lý trong sử dụng kháng sinh như: Tuyến bệnh viện, chuyên khoa điều trị. Kháng sinh được sử dụng chủ yếu là các cephalosporin thế hệ 3, đặc biệt là ceftriaxon.

            Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên là bệnh viện đa khoa Hạng 1. Hàng năm chi phí cho tiền thuốc khoảng 80 tỷ đồng trong đó kháng sinh chiếm hơn 30 % giá trị. Năm 2017, ceftriaxon là kháng sinh có số DDD/100 ngày giường cao nhất (12,098) tại bệnh viện, vì thế cần thiết phải đánh giá sự phù hợp trong kê đơn chỉ định ceftriaxon. Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích tính hợp lý và một số yếu tố liên quan đến kê đơn ceftriaxon trong điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên năm 2017 làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp trong giám sát kê đơn sử dụng ceftriaxon tại Bệnh viện.

            Đối tượng nghiên cứu: 350 bệnh án thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn và tiêu chuẩn loại trừ được lấy theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống từ danh sách 3.850 bệnh án có sử dụng ceftriaxon (công thức tính cỡ mẫu áp dụng là ước tính giá trị tỷ lệ có hiệu chỉnh cho quần thể hữu hạn).

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả có phân tích.    

Kết quả

Tỷ lệ sử dụng ceftriaxon không hợp lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên năm 2017 là 55,43 % bệnh án. Trong các bệnh án có chỉ định không hợp lý bao gồm: chỉ định (50 %), thời gian điều trị (25,26 %), tương tác thuốc (2,58 %), liều và khoảng cách đưa liều (3,09 %), tuân thủ kết quả xét nghiệm vi sinh và kháng sinh đồ (1,55 %). Một số yếu tố liên quan đến sử dụng ceftriaxon không hợp lý gồm: Khối điều trị, bệnh mắc kèm, loại chẩn đoán và tình trạng nhiễm khuẩn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-05-06
Chuyên mục
BÀI BÁO