Nghiên cứu đặc điểm thực vật cây ban hooker Hypericum hookerianum Wight & Arnott. (Hypericaceae)

  • Vũ Duy Hồng
  • Nguyễn Mạnh Tuyển
  • Nguyễn Minh Khởi
  • Phương Thiện Thương

Tóm tắt

Chi Hypericum L. (Họ Ban - Hypericaeae, hoặc họ Bứa, Măng cụt - Clusiaceae) là một chi lớn, gồm khoảng 400 loài khác nhau, cây gỗ hoặc cây bụi phân bố chủ yếu ở những vùng khí hậu nhiệt đới trên khắp thế giới. Theo Thực vật chí Trung Quốc, ở Việt Nam có 8 loài thuộc chi Hypericum L.. Các tác giả Việt Nam như: Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Chiều, Ngô Đức Phương cũng đã công bố 11 loài khác có trong tự nhiên tại Việt Nam. Ngoài các loài đã được tìm thấy trong tự nhiên, tại Việt Nam còn có loài H. perforatum L., (cây ban Âu, cỏ thánh John) đã được Viện Dược liệu nhập nội và đưa vào trồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta từ năm 2004. Hầu hết các loài Hypericum chưa được sử dụng trong Y học dân gian cũng như Y học cổ truyền, ngoại trừ cây ban Âu đã được sử dụng bộ phận trên mặt đất để làm thuốc điều trị bệnh trầm cảm, trị bệnh gan, chống viêm, kháng khuẩn, chữa bỏng, chống virus, chống nghiện rượu từ nhiều năm trước đây.

Trong số các loài thuộc chi Hypericum L., có cây ban - Hypericum hookerianum Wight & Arnott. (ban hooker) mọc hoang tại vùng núi Hoàng liên, Sa Pa (Lào Cai) khá nhiều. Trong Y học dân gian, H. hookerianum được dùng để chống trầm cảm, chống co thắt, kích thích thần kinh trung ương, hạ huyết áp và tác dụng chống nấm trong các bài thuốc dân gian ở Nepal và Ấn Độ, dùng điều trị viêm bàng quang ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, nhân dân các dân tộc thiểu số dùng lá ban hooker chữa đau mắt cho gia súc.

Loài ban hooker có đặc điểm hình thái khá giống với một số loài ban nhưng chưa được nghiên cứu chi tiết về đặc điểm thực vật để giúp phân biệt với các loài khác thuộc chi Hypericum L.. Vì vậy, nghiên cứu về đặc điểm hình thái thực vật và vi học của cây ban hooker (Hypericum hookerianum họ Hypericaceae) được thu hái tại Sa Pa, Lào Cai với mục tiêu giúp cho việc phân loại và nhận biết loài này được dễ dàng hơn.

Đối tượng nghiên cứu

            Phần trên mặt đất cây ban do tập thể tác giả thu hái tại vùng núi Sa Pa, Lào Cai ngày 18/6/2016 và ngày 22/10/2016.

            Phương pháp nghiên cứu

Quan sát, mô tả đặc điểm hình thái của mẫu nghiên cứu tại thực địa, chụp ảnh, thu hái và làm tiêu bản mẫu khô. Xác định tên khoa học bằng phương pháp so sánh hình thái, đối chiếu đặc điểm hình thái với các khóa phân loại thực vật. Nghiên cứu đặc điểm vi học: Làm vi phẫu rễ, thân, lá theo phương pháp cắt ngang, nhuộm kép.

Kết luận

Với những đặc điểm thực vật như mô tả trong nghiên cứu, cây ban hooker mọc hoang ở Sa Pa, Lào Cai đã được giám định tên khoa học là Hypericum hookerianum Wight & Arn., họ Ban - Hypericaceae. Các đặc điểm về thân cây khi còn non và của cụm hoa có sự khác biệt so với các loài Hypericum khác, có thể dùng để nhận biết loài H. hookerianum. Đã xác định đặc điểm vi phẫu và đặc điểm bột lá, thân, rễ cây ban hooker. Kết quả nghiên cứu này góp phần cung cấp cơ sở cho việc nhận biết, phân loại loài ban H. hookerianum, cũng là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về hóa thực vật và tác dụng sinh học của dược liệu này.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-08-30
Chuyên mục
BÀI BÁO