Giám sát tích cực phản ứng có hại của thuốc thông qua bộ công cụ phát hiện tín hiệu tại một đơn vị lâm sàng chuyên khoa tim mạch tuyến Trung ương

  • Trần Ngân Hà
  • Cao Thị Thu Huyền
  • Bùi Thị Ngọc Thực
  • Nguyễn Thu Minh
  • Phạm Thị Tuyết Nga
  • Cẩn Tuyết Nga
  • Vũ Đình Hòa
  • Trần Nhân Thắng
  • Nguyễn Hoàng Anh

Tóm tắt

Phản ứng có hại của thuốc (ADR) là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, giảm tuân thủ điều trị và tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. Theo các nghiên cứu trên bệnh nhân nội trú, tỷ lệ ADR có thể phòng tránh được (pADR) dao động từ 0,3 - 30,7%, trong đó, thuốc tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới pADR. Đáng chú ý, chi phí tổn thất do ADR có thể phòng tránh được cao hơn so với những ADR không phòng tránh được. Vì vậy, nếu giảm thiểu được tỷ lệ ADR có thể phòng tránh được sẽ giúp giảm thiểu đáng kể hậu quả và gánh nặng của ADR. Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là viện chuyên khoa đầu ngành Tim mạch trong cả nước, với số lượng bệnh nhân vào nằm điều trị nội trú hàng năm đều tăng lên không ngừng (hơn 59.000 bệnh nhân trong năm 2017). Hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc tại Viện Tim mạch được thực hiện theo quy trình chung của bệnh viện thông qua báo cáo tự nguyện theo quy định của Bộ Y tế nên số lượng báo cáo ADR còn hạn chế (16 báo cáo trong năm 2017). Con số này chưa thực sự phản ánh thực tế ADR bệnh nhân gặp phải trong điều trị tại Viện Tim mạch. Bên cạnh đó, các ADR ghi nhận được chủ yếu là phản ứng typ B như phản ứng trên da và mô dưới da (ngứa, ban đỏ, mẩn ngứa,...), rối loạn toàn thân (sốc phản vệ), trong khi các báo cáo ADR typ A là những báo cáo có thể phòng tránh được và thường liên quan đến các thuốc tim mạch được ghi nhận ở mức độ rất hạn chế. Với mong muốn thúc đẩy hoạt động phát hiện và báo cáo các phản phản ứng có hại của thuốc trên bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là các phản ứng có khả năng phòng tránh được, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu xây dựng và đánh giá khả năng phát hiện ADR của bộ công cụ (trigger tool) tại một đơn vị lâm sàng chuyên khoa tim mạch thuộc Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai thông qua hoạt động của dược sĩ tại khoa.

Đối tượng nghiên cứu

Triển khai áp dụng bộ công cụ phát hiện ADE đã xây dựng được thực hiện trên tất cả bệnh nhân nhập Khoa X từ tháng 11/2018 đến tháng 01/2019 với tiêu chuẩn lựa chọn là bệnh nhân nằm điều trị tại khoa ít nhất 24 giờ, trên 18 tuổi và tiêu chuẩn loại trừ là bệnh nhân tâm thần hay đang phục hồi chức năng. Bệnh nhân được theo dõi từ khi nhập Khoa X đến khi chuyển khoa hoặc xuất viện.

Phương pháp nghiên cứu

- Xây dựng bộ công cụ phát hiện biến cố bất lợi liên quan đến thuốc.

- Triển khai áp dụng bộ công cụ phát hiện biến cố bất lợi liên quan đến thuốc.

Kết luận

Nghiên cứu đã xây dựng được bộ công cụ phát hiện ADR trên bệnh nhân tim mạch và bước đầu đã triển khai áp dụng bộ công cụ này tại một đơn vị lâm sàng chuyên khoa tim mạch, ghi nhận một tỷ lệ đáng kể ADR và pADR cao hơn rõ rệt so với số báo cáo ADR từ hệ thống báo cáo tự nguyện. Kết quả này là cơ sở để nhân rộng phương pháp phát hiện ADR thông qua bộ công cụ phát hiện tín hiệu tại Viện Tim mạch Việt Nam cũng như trong Bệnh viện Bạch Mai, thúc đẩy hoạt động đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc cho người bệnh.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-11-04
Chuyên mục
BÀI BÁO